Giá lợn hơi sẽ còn giảm đến đâu?

30/07/2022 19:49 GMT+7
Giá lợn hơi liên tục giảm trong một tuần qua, mức giảm mạnh nhất là 5.000 đồng/kg, đã kéo giá lợn hơi trung bình cả nước xuống còn 66.000-66.500 đồng/kg...

Giá lợn hơi hôm nay 30/7: Giảm mạnh nhất 5.000 đồng/kg

Giá lợn hơi hôm nay đi ngang tại khu vực miền Bắc, tăng - giảm trái chiều 1.000 - 5.000 đồng/kg tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên và khu vực miền Nam.

Giá lợn hơi sẽ còn giảm đến đâu? - Ảnh 1.

Giá lợn hơi liên tục giảm trong một tuần qua, mức giảm mạnh nhất là 5.000 đồng/kg, đã kéo giá lợn hơi trung bình cả nước xuống còn 66.000-66.500 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay không ghi nhận điều chỉnh mới so với ngày trước đó và dao động trong khoảng 65.000 - 69.000 đồng/kg. Trong đó, mức giá lợn hơi cao nhất khu vực 69.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bắc Giang.

Thấp hơn một giá, các địa phương gồm Hưng Yên, Thái Bình, Vĩnh Phúc và Tuyên Quang tiếp tục giao dịch tại mốc 68.000 đồng/kg. Hà Nam duy trì thu mua lợn hơi tại mốc 65.000 đồng/kg thấp nhất khu vực. Các tỉnh còn lại tiếp tục chững lại so với hôm qua, hiện thu mua trong khoảng 66.000 - 67.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay giảm 1.000 - 5.000 đồng/kg tại một vài địa phương và dao động trong khoảng 63.000 - 68.000 đồng/kg. Cụ thể, Quảng Nam, Bình Định và Bình Thuận cùng điều chỉnh giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 68.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Quảng Bình, Quảng Trị, Khánh Hòa. Tiếp tục giảm mạnh trong hôm nay, Đắk Lắk và Quảng Ngãi hiện thu mua lợn hơi ở mốc 63.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg và 5.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không biến động và đang giao dịch trong khoảng 66.000 - 68.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay điều chỉnh tăng – giảm trái chiều và dao động trong khoảng 62.000 - 68.000 đồng/kg. Trong đó, cùng tăng 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang cũng đứng ở mức 65.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Sóc Trăng sau khi giá lợn hơi tại địa phương này tăng 3.000 đồng/kg. Cùng ghi nhận mức giá 67.000 đồng/kg, giá lợn hơi hôm nay tại Đồng Nai giảm 1.000 đồng/kg còn tại Bạc Liêu tăng 2.000 đồng/kg. Cùng ghi nhận mức giá 64.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Vũng Tàu giảm 2.000 đồng/kg, còn tại Cà Mau giảm 1.000 đồng/kg so với ngày trước đó.

Giá lợn Trung Quốc cũng liên tục giảm trong 7 ngày qua, còn 71.400 đồng/kg.

Trên thị trường bán lẻ, giá lợn mảnh của Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam niêm yết ở mức 86.000 đồng/kg, giá lợn hơi ở chợ đầu mối Hóc Môn dao động từ 74.000 - 84.000 đồng/kg.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 7, giá thịt lợn đã tăng 4,29% so với tháng 6/2022 do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, làm CPI chung tăng 0,15 điểm phần trăm. Tính đến ngày 25/7/2022, giá thịt lợn hơi cả nước dao động khoảng 65.000-72.000 đồng/kg, tăng 3.000-10.000 đồng/kg so với tháng trước. Theo đó, giá thịt chế biến tăng 1,73% so với tháng trước, trong đó thịt quay, giò chả tăng 1,81%; thịt hộp tăng 1,02%; thịt chế biến khác tăng 0,49%.

Giá lợn có khả năng ổn định ở mức cao trong thời gian tới

VNDirect dự báo giá lợn hơi vẫn có thể chạm mốc 80.000 đồng/kg vào cuối quý III. Tuy nhiên, đà tăng này có thể chỉ kéo dài trong ngắn hạn và sớm hạ nhiệt vào quý IV. Bởi thời gian gần đây, Chính phủ đang theo dõi sát diễn biến giá thịt lợn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Giá thịt đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam.

Với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh. Mặt khác, cho đến thời điểm này, tổng đàn lợn cả nước vẫn ổn định trong mức 28 triệu con.

Do vậy, VNDirect dự báo bình quân giá lợn trong nửa cuối năm 2022 khoảng 65.500 đồng/kg, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái, cả năm 2022 sẽ dao động trong mức 60.000 đồng/kg, giảm 3%.

Cũng dự báo, VNDirect cho biết, giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý III và hạ nhiệt dần trong quý IV. Được biết, giá thành nuôi lợn tăng cao có nguyên nhân rất lớn là do chi phí đầu vào tăng, nhất là ảnh hưởng bởi giá thức ăn chăn nuôi. Giá lợn hiện đã giảm về dưới ngưỡng 70.000 đồng/kg nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, điều này gây khó khăn lớn cho người chăn nuôi thời điểm này.

Giá lợn hơi sẽ còn giảm đến đâu? - Ảnh 2.

Chính phủ đang theo dõi sát diễn biến giá thịt lợn trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Giá thịt đóng góp khoảng 4% vào CPI của Việt Nam.

Thời gian qua, giá lợn hơi tăng, sự chênh lệch về giá lợn, các sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng dẫn đến hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước, giá cả thị trường; làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng... giữa các nước với Việt Nam.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, đến nay chưa xuất hiện tình trạng xuất lậu lợn qua các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, theo diễn biến tình hình thị trường, vẫn có khả năng tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp. Do vậy, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các Sở, ngành thành viên có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra, vào Việt Nam.

Thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi, những ngày qua thương lái đã hạn chế mua lợn, lượng lợn được chuyển đi phía Bắc cũng giảm. Nếu ngăn chặn xuất lợn đi Trung Quốc, giá lợn có khả năng ổn định ở mức cao trong thời gian tới.

Cục Chăn nuôi cũng nhận định, giá lợn hơi sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức cao tới đây, bởi sau đi khảo sát tại một số địa phương Cục này nhận thấy có tình trạng thiếu nguồn cung thịt lợn cục bộ. Dù giá lợn hơi hiện vẫn còn cao nhưng chỉ có các doanh nghiệp chăn nuôi lớn mới có lãi. Người chăn nuôi nông hộ vẫn rất lo lắng để đẩy mạnh sản xuất.

Cục này cho rằng, từ nay đến cuối năm, cầu về thịt lợn của người dân sẽ tăng cao, nhất là dịp Tết Nguyên đán nên giá lợn hơi khó có thể giảm sâu hơn. Cục này đang đề nghị các địa phương khuyến cáo người dân chăn nuôi phù hợp.

Được biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ động cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Bộ này chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và bảo đảm nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn.

Bộ Công Thương cũng đang kiểm tra, kiểm soát các kênh phân phối, cung ứng như chợ đầu mối, lò mổ, không để xảy ra đầu cơ trục lợi đẩy giá lợn lên cao. Các chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho rằng, Chính phủ xem xét có giải pháp ngăn chặn việc đầu cơ giá để chống lạm phát là đúng, nhưng với ngành chăn nuôi, người nông dân cũng mong được tạo điều điều kiện tái đàn. Nếu giá xuống thấp quá thì người chăn nuôi sẽ không tái đàn nữa. Do đó, biện pháp bình ổn giá lợn cần hợp lý giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tái đàn, bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường dịp cuối năm.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn, các Bộ ngành vẫn đang cập nhật thông tin, diễn biến thị trường, nắm sát nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước để chỉ đạo sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Vấn đề là các địa phương cần có giải pháp bảo đảm nguồn cung về giống lợn, vật tư và sản phẩm với giá hợp lý để giảm chi phí, giá thành sản xuất cho người chăn nuôi.

Thứ nữa là tháo gỡ khó khăn trong lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; cấp đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng và xuất khẩu.

Theo Bộ Công Thương, giá lợn hơi tăng nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt tăng trở lại. Càng về cuối năm nhu cầu tiêu thụ thịt càng tăng lên. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng thịt các loại đạt khoảng 3,4 triệu tấn, trong đó, sản lượng thịt bò 241.200 tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa 617,8 triệu lít, tăng 10%; sản lượng thịt lợn hơi khoảng 2,12 triệu tấn, tăng 5,7%; sản lượng thịt gia cầm 980.700 tấn, tăng 5,2% và sản lượng trứng 8,8 tỷ quả, tăng 4,8%.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nguồn cung thịt lợn cũng như các loại thực phẩm vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu trong nước. Từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ không tăng nhập khẩu thịt lợn, thay vào đó sẽ đẩy mạnh tái đàn trong nước, đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho người dân. Các địa phương sẽ hướng dẫn nông dân, doanh nghiệp tập trung sản xuất, duy trì tổng đàn lợn khoảng 27-28 triệu con đảm bảo nguồn cung trong nước. Bên cạnh đó là rà soát giá con giống, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi... để tạo thuận lợi cho công tác tái đàn.

Riêng đối với thị trường Hà Nội, để đảm bảo nguồn cung, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang tiếp tục khuyến khích người dân chăn nuôi lợn theo vùng, xã trọng điểm, xa khu dân cư và sẽ tập trung hỗ trợ các trang trại chăn nuôi quy mô lớn nằm trong vùng quy hoạch của địa phương… Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về giống, vaccine… để người chăn nuôi giảm giá thành sản xuất, bảo đảm tổng đàn lợn duy trì ổn định hơn 1,8 triệu con, qua đó chủ động nguồn cung cho thị trường Hà Nội.

Còn tại TP.HCM, theo thống kê 6 tháng đầu năm 2022 tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP.HCM có xu hướng tăng. Đàn lợn hiện có 168.171 con lợn thịt, tăng 0,9% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt đạt 30.487,41 tấn, tăng 4,0% so với cùng kỳ. 6 tháng cuối năm, TP.HCM vẫn đảm bảo nguồn lợn thịt cung ứng cho thị trường thành phố, góp phần ổn định giá lợn.


 

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục