Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng, đà giảm có chấm dứt?

20/09/2022 16:10 GMT+7
Giá lợn hơi hôm nay 20/9 đi ngang trên diện rộng và ghi nhận mức giá cao nhất là 67.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi hôm nay 20/9: Chững lại trên diện rộng 

Giá lợn hơi hôm nay 20/09/2022, ế ẩm kéo dài. So với tuần trước, mức giá lợn đã giảm nhiều từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, toàn quốc dao động quanh mức 61.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại miền Bắc có mức cao nhất nước chỉ đạt còn 65.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại thủ phủ Đồng Nai cũng chỉ dao động khoảng 58.000-60.000 đồng/kg.

Hôm nay giá lợn hơi tại Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đứng ở mức thấp sau khi giảm 1 giá từ hôm trước. Giá lợn hơi CP cao nhất tại miền Bắc, đứng ở mức 66.000 đồng/kg; tại miền Trung, miền Đông, miền Tây, giá lợn hơi CP đứng ở mức 62.000 đồng/kg. Trái lại, giá lợn hơi Trung Quốc hôm nay tiếp tục tăng mạnh lên, đứng ở mức 81.300 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay đồng loạt đi ngang và dao động trong khoảng 62.000 - 67.000 đồng/kg. Theo đó, mức giá cao nhất khu vực 67.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hưng Yên, Phú Thọ và Thái Bình. Các tỉnh Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình và TP.Hà Nội có giá lợn hơi lần lượt là 62.000 đồng/kg, 64.000 đồng/kg và 66.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại trong khu vực như Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Thái Nguyên và Hà Nam đang thu mua lợn hơi với giá 65.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi hôm nay không thay đổi so với hôm qua và dao động trong khoảng 58.000 - 65.000 đồng/kg. Trong đó, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định tiếp tục thu mua lợn hơi tại mốc cao nhất khu vực là 65.000 đồng/kg. Tiếp đó, 5 tỉnh gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Khánh Hòa đang giữ giá 63.000 đồng/kg, đi ngang so với hôm qua. Tại Ninh Thuận, Lâm Đồng giá lợn hơi hôm nay neo ở mức 59.000 đồng/kg. Mức giá thấp nhất khu vực được ghi nhận Bình Thuận và Đắk Lắk, giá thu mua vẫn neo trong khoảng 58.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi hôm nay đi ngang và dao dịch trong khoảng 58.000 - 64.000 đồng/kg. Theo đó, Cà Mau và Long An đang thu mua lợn hơi lần lượt với giá 63.000 đồng/kg và 64.000 đồng/kg, không đổi so với hôm qua. Tây Ninh ghi nhận mức giá thấp nhất khu vực 58.000 đồng/kg. Cao hơn một giá, tại Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng đang ở mức 59.000 đồng/kg. Giá lợn hơi hôm nay tại Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang và Bạc Liêu tiếp tục neo ở mốc 62.000 đồng/kg. Đối với các tỉnh còn lại, giá lợn hơi hôm nay duy trì ở mức 60.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng, đà giảm có chấm dứt? - Ảnh 1.

Nguồn: ANOVA FEED

Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng, đà giảm có chấm dứt? - Ảnh 2.

Giá lợn hơi hôm nay 20/9: Chững lại trên diện rộng, dao động từ 58.000 đồng/kg đến 67.000 đồng/kg.

Trước đó, giá lợn hơi trung bình cả nước giảm mạnh vào đầu tháng 8 nhưng phục hồi trở lại vào cuối tháng, dao động trong khoảng 62.000 – 70.000 đồng/kg. Dù vậy, giá vẫn giảm nhẹ 1,6 – 2,8% so với cuối tháng trước.

Ghi nhận trong ngày 25/8, tại miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 65.000 – 70.000 đồng/kg, với mức giá phổ biến là 66.000 – 68.000 đồng/kg. Thái Bình và Hưng Yên là hai địa phương có giá tốt nhất, đạt 70.000 đồng/kg, trong khi Yên Bái và Lào Cai niêm yết mức thấp nhất, 65.000 đồng/kg. Các tỉnh, thành khác báo giá dao động trong khoảng 66.000 – 68.000 đồng/kg. 

Tại miền Trung – Tây Nguyên, lợn hơi được giao dịch ở 63.000 – 70.000 đồng/kg, với Ninh Thuận và Bình Thuận có giá tốt nhất, 70.000 đồng/kg. Các tỉnh, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Bình Định và Khánh Hoà ghi nhận mức giá khoảng 66.000 – 67.000 đồng/kg. Còn lại, lợn hơi được giao dịch ở 63.000 – 64.000 đồng/kg. 

Tại miền Nam, lợn hơi được thu mua với giá 62.000 – 72.000 đồng. Ngoài tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Cà Mau có giá lợn hơi đạt 69.000 – 70.000 đồng/kg và Hậu Giang, Kiên Giang báo giá ở mức 62.000 – 63.000 đồng/kg, giá lợn tại các tỉnh còn lại dao động trong khoảng 64.000 - 66.000 đồng.

Như vậy, so với tháng 8, giá lợn hơi trên cả nước đã giảm giá khá mạnh, hiện giá trung bình như đã nói chỉ còn đứng ở mức 61.000 đồng/kg.

Hỗ trợ nông dân tái đàn đón vụ Tết Nguyên đán

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 8, tổng số lợn cả nước ước tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước đó.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu giảm như hiện nay, người chăn nuôi đang rất cần hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ từ các tổ chức tín dụng, giúp họ tăng đàn thuận lợi trong thời gian tới. Để cân đối cung cầu, từ nay đến cuối năm 2022, sản lượng thịt các loại của cả nước phải đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng thịt lợn hơi dự kiến phải đạt trên 4,2 triệu tấn; sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn.

Bộ NN&PTNT cho biết, với các biện pháp thú y phòng chống dịch bệnh, quản lý biên giới, chăn nuôi an toàn sinh học… và duy trì được tốc độ tăng trưởng của các đàn vật nuôi như từ đầu năm đến nay chúng ta sẽ hoàn toàn đảm bảo được nguồn cung thực phẩm (đặc biệt là thịt lợn) cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Ngành nông nghiệp nhận định, sản lượng thịt các loại năm 2022 ước vẫn đạt trên 7 triệu tấn cùng 18,4 tỷ quả trứng, trên 1,3 triệu tấn sữa. Nguồn thực phẩm vẫn đảm bảo từ nay đến cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán.

Chứng khoán VNDIRECT nhận định, với mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% trong 2022, Chính phủ sẽ áp dụng một số biện pháp bình ổn trong trường hợp giá thịt lợn tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, chưa có dấu hiệu thiếu hụt nguồn cung trong nửa cuối năm 2022. Do vậy, giá thịt lợn sẽ ổn định ở mức thấp.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá lợn sẽ quanh mức 60.000 - 65.000 đồng/kg trong quý IV/2022. Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng giá hàng hóa sẽ giảm nhẹ khoảng 6-10% trong 6 tháng cuối năm so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ hơn so với giá nông sản thế giới. Vì vậy, chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ vẫn ở mức cao trong quý III/2022 và hạ nhiệt dần trong quý IV/2022.

Giá lợn hơi đi ngang trên diện rộng, đà giảm có chấm dứt? - Ảnh 3.

Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động chăn nuôi lợn đang đem lại hiệu quả khi giá lợn hơi tăng cao. Tuy giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao nhưng nhu cầu và nguồn cung thịt lợn trong nước đã được khôi phục trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành chăn nuôi vẫn đang phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, tuy nhiên do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi tăng, nên người chăn nuôi không mở rộng quy mô, tổng số gia cầm của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2021 - đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2018-2022. Tổng số bò của cả nước tính đến cuối tháng 7/2022 tăng khoảng 2,6%; tổng số lợn tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi bình quân năm 2022 đạt khoảng 5,0- 5,5% so với năm 2021. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 6,95 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021 (trong đó sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 4,2 triệu tấn và sản lượng thịt gia cầm đạt trên 1,9 triệu tấn).

Được biết, Bộ NN&PTNT đang dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Tại dự thảo, Bộ NN&PTNT đã đề xuất nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: Hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng các mô hình chăn nuôi; hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi;…

Về đề xuất hỗ trợ xây dựng chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, dự trữ sản phẩm chăn nuôi, sàn giao dịch vật tư chăn nuôi; xúc tiến thương mại để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, dự thảo nêu rõ, hỗ trợ không quá 40% tổng mức đầu tư dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thiết yếu đối với cơ sở chợ đầu mối, cơ sở đấu giá, các sàn giao dịch vật tư chăn nuôi để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án.

Hỗ trợ không quá 30% tổng mức đầu tư dự án về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi nhằm quảng bá sản phẩm; xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm, mức hỗ trợ tối đa 02 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ không quá 50% giá trị xây dựng kho lạnh dự trữ sản phẩm chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 03 tỷ đồng/kho lạnh. Điều kiện được hỗ trợ là các dự án đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nguồn cung sẽ ảnh hưởng tới giá cả. Tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Nguyên đán, nhu cầu về lương thực, thực phẩm thường tăng từ 10 -15% so với những tháng trước đó. Cụ thể, số lượng thịt lợn tiêu thụ trung bình mỗi năm là khoảng 4 triệu tấn; tháng Tết, nhu cầu tăng lên, ở mức khoảng 420.000 tấn. Theo Bộ NN&PTNT, nếu giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg sẽ là cơ sở để các địa phương đẩy mạnh tái đàn phục vụ cho nhu cầu thực phẩm dịp cuối năm.

Hiện 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn ở Việt Nam cũng duy trì tổng đàn khoảng 6,5 triệu con lợn để cung cứng thịt lợn cho thời điểm cuối năm với giá bình ổn. Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho thấy, công tác tái đàn của địa phương trên cả nước tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt trên 28 triệu con.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu thịt lợn liên tục giảm do tiêu thụ thịt lợn trong nước vẫn chậm, trong khi sản lượng lợn tiếp tục phục hồi. Trong tháng 7, Việt Nam nhập khẩu 10.020 tấn thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 21,58 triệu USD, giảm 31,2% về lượng và giảm 36,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu trung bình đạt 2.153 USD/ tấn, giảm 8,1%. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 55.210 tấn, trị giá 117,5 triệu USD, giảm 42,1% về lượng và giảm 46,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo từ Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 8, Việt Nam nhập khẩu hơn 573,3 triệu USD giá trị thức ăn gia súc và nguyên liệu, tăng 15,96% so với cùng kì năm 2021. Về các nguyên liệu sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, khối lượng nhập khẩu lúa mì giảm 5,9% so với năm ngoái xuống 291.445 tấn, nhưng giá trị nhập khẩu tăng 24,8% lên hơn 116,4 triệu USD. 

Trong khi đó, khối lượng nhập khẩu ngô tăng 49,1% lên 713.678 tấn, với giá trị nhập khẩu cũng tăng 76,4% lên hơn 258,9 triệu USD. Khối lượng nhập khẩu đậu nành giảm mạnh 52,1% xuống 54.078 tấn, với giá trị nhập khẩu giảm 41,4% xuống hơn 40,6 triệu USD. Nhập khẩu dầu mỡ động thực vật tăng 61,8% lên hơn 172,4 triệu USD. 

Cục Chăn nuôi cho biết đợt tăng giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thế giới vừa qua, là do 3 nguyên nhân. Đầu tiên là xung đột giữa Nga - Ukraine leo thang. Trong khi đây là hai quốc gia sản xuất lúa mỳ, ngô và hướng dương lớn trên thế giới. Thứ hai, các nước sản xuất ngô lớn ở Nam Mỹ, Châu Âu chịu tác động bởi biển động khí hậu và khủng hoảng năng lượng khiến chi phí tăng cao. Cuối cùng Covid-19 cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cục Chăn nuôi cho rằng năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi vẫn chưa thể hạ nhiệt do căng thẳng giữa Nga - Ukraine vẫn chưa biết khi nào kết thúc. 

Theo số liệu của của Tổng Cục Hải quan, giá đậu tương, ngô, lúa mỳ nhập khẩu duy trì ở mức cao trong suốt 2 năm qua. Tính đến tháng 8, giá đậu tương nhập khẩu trung bình ở mức 751 USD/tấn, tăng gần gấp đôi với cùng kỳ năm 2020. Giá ngô cũng tăng khoảng 90% lên 363 USD/tấn. Điều này đẩy giá thức ăn thành phẩm tăng khoảng 30%. Bộ NN&PTNT nhiều lần đã kêu gọi doanh nghiệp sản xuất thức ăn kìm giá bán để hạ giá thành chăn nuôi.

Tổng cục Thống kê khuyến nghị, để ngành chăn nuôi phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong những tháng cuối năm, các trang trại phải tìm nguồn thức ăn sẵn có trong nước để hạ giá thành chăn nuôi, kiểm soát phòng chống dịch tốt, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi; phát triển các mô hình chăn nuôi đảm bảo song hành yếu tố hiệu quả, bền vững nhờ đầu vào chuẩn với con giống ưu việt, quy trình chăn nuôi hiện đại giúp tối ưu chi phí vận hành, đầu ra thương phẩm chất lượng cao, được bao tiêu với giá tốt, công nghệ xử lý thải bền vững.

Các cơ quan chức năng cũng cần kiểm soát xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang các nước láng giềng, kiểm soát nguồn thịt nhập khẩu có chất lượng.

Để ổn định thị trường sản xuất và tiêu thụ thịt lợn trong nước, cần thực hiện quyết liệt và đồng thời nhiều biện pháp, chính sách chống đầu cơ, thao túng giá, đảm bảo quyền lợi của người chăn nuôi và người tiêu dùng.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục