Giá thịt lợn tăng "phi mã": Bình ổn thị trường là rất khó!

17/12/2019 10:59 GMT+7
Trước diễn biến giá lợn liên tục tăng cao những ngày qua, đại diện Bộ Công thương cho biết, trách nhiệm của Bộ là tăng cường công tác bình ổn giá, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung nơi nào cũng thiếu như hiện nay thì việc điều tiết thị trường sẽ rất khó khăn.

Gần 1 tuần nay, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc và miền Nam liên tục tăng phi mã. Đặc biệt tại nhiều tỉnh miền Nam, giá lợn hơi tăng lên tới 3,4 giá. Hiện giá lợn hơi dao động từ 80.000 - 90.000đ/kg, trong khi giá thịt lợn thành phẩm có nơi đã lên tới từ 160.000 - 190.000đ/kg, thậm chí có loại được bán với mức giá 220.000 đồng/kg (sụn đũa, sườn non bỏ cục, vai gáy giòn…).

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các giải pháp để "hạ nhiệt" giá thịt lợn trên thị trường. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục dập dịch tả lợn Châu Phi, Bộ Công thương chỉ đạo các giải pháp bình ổn giá thị trường, trong đó có thịt lợn.

Ông Đông cũng cho biết, quan điểm của Bộ là ủng hộ việc nhập khẩu thịt lợn, nhưng phải theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ là nhập khẩu từ các đối tác có quan hệ thương mại hai chiều với Việt Nam, đáp ứng đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch và kiểm tra vệ sinh thú y; nhập khẩu đúng các chủng loại thịt lợn mà người dân có nhu cầu cao trong dịp Tết.

Giá thịt lợn tăng "phi mã": Bình ổn thị trường rất khó! - Ảnh 1.

Giá thịt lợn thành phẩm liên tục tăng cao những ngày qua.

Tuy nhiên, đến nay, mặc dù nhiều giải pháp đã được đưa ra, nhưng mức giá thực phẩm trên thị trường càng gần Tết vẫn tăng cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Tết này sẽ đủ thực phẩm cho người dân ăn Tết. Và để bù đắp cho việc thiếu 200.000 tấn thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương đã chấp nhận cho phép nhập khẩu thịt lợn từ một số quốc gia khác.

Vị Vụ trưởng này cũng cho biết, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như trước diễn biến phức tạp của thị trường mặt hàng thịt lợn, các địa phương đều rất quan tâm đến bình ổn thị trường mặt hàng thực phẩm nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng.

Đơn cử, tại TP.HCM để chủ động ứng phó với mọi tình huống, thành phố đã huy động các doanh nghiệp kinh doanh chủ lực tham gia chương trình bình ổn thị trường, thực hiện dự trữ mặt hàng thịt lợn và các sản phẩm thịt khác. Tương tự, các địa phương lớn khác cũng đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung cầu và bình ổn giá mặt hàng này.

Trả lời câu hỏi trách nhiệm của các Bộ trong việc bình ổn giá thịt lợn trên thị trường, ông Đông nói: "Trách nhiệm mà Bộ Công Thương được giao là tăng cường công tác bình ổn giá, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Công tác này hiểu nôm na chính là việc điều tiết thị trường, đưa sản phẩm từ nơi thừa đến nơi thiếu để không xảy ra tăng giá cục bộ. Nhưng trong bối cảnh nguồn cung nơi nào cũng thiếu như hiện nay thì việc điều tiết thị trường sẽ rất khó".Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá chính xác nguồn cung hiện tại và dự báo đến Tết Nguyên đán, các tháng Một và tháng Hai, cũng như sau Tết Nguyên đán, chủ động việc tái đàn cũng như nhập khẩu đủ nguồn hàng sử dụng trong không chỉ trước, trong mà còn sau Tết Nguyên đán và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất ổn định giá bán, cam kết không tăng giá.

Bộ Công Thương đề nghị lực lượng hải quan và biên phòng, trong chức năng nhiệm vụ của mình cần phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường nhằm kiểm tra, kiểm soát tốt việc mua bán lợn qua các địa bàn khu vực biên giới, tránh lây lan dịch bệnh ở những vùng đã công bố hết dịch.

An Vũ
Cùng chuyên mục