Giá tiêu bị đè nặng bởi áp lực địa chính trị và dịch bệnh, khó "sáng" trong ngắn hạn

03/09/2022 17:04 GMT+7
Cán cân cung cầu mặt hàng hạt tiêu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng. Tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc từ đầu năm trì trệ càng khiến đà tăng của thị trường thêm khó khăn.

Tháng 8/2022, giá hạt tiêu nội địa giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm

Giá tiêu hôm nay (3/9) tại thị trường trong nước ổn định ở một số địa phương, giao dịch từ 66.500 - 70.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 66.500 đồng/kg. Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đồng Nai (67.000 đồng/kg); Đắk Nông, Đắk Lắk (67.500 đồng/kg); Bình Phước (68.500 đồng/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 70.000 đồng/kg.

Tháng 8/2022, giá hạt tiêu đen và trắng xuất khẩu biến động không đồng nhất tại các nước sản xuất trên thế giới, tăng tại Indonesia và Ấn Độ, ổn định tại Malaysia, nhưng giảm tại Việt Nam và Brazik.

Tại cảng Kuching của Malaysia, ngày 26/8/2022 giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng xuất khẩu ổn định ở mức 5.900 USD/ tấn và 7.600 USD/tấn so với ngày 29/7/2022.

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, ngày 26/8/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng mạnh 397 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 4.089 USD/tấn. 

Tại cảng Muntok, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 133 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 6.395 USD/tấn.

Tại Ấn Độ, ngày 25/6/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 18 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, lên mức 6.495 USD/tấn. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 26/8/2022, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 200 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn lần lượt 3.550 USD/tấn và 3.800 USD/tấn. Giá hạt tiêu trắng xuất khẩu giảm 200 USD/ tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn 5.600 USD/tấn.

Tại Brazil, ngày 26/8/2022, giá hạt tiêu đen xuất khẩu giảm 75 USD/tấn so với ngày 29/7/2022, xuống còn 2.950 USD/tấn. 

Giá tiêu bị đè nặng bởi áp lực địa chính trị và dịch bệnh, khó "sáng" trong ngắn hạn - Ảnh 1.

Giá tiêu hôm nay 3/9 tại thị trường trong nước chững lại và đi ngang sau phiên điều chỉnh giảm. Hiện giá tiêu trong nước dao động quanh mốc 66.500 – 70.000 đồng/kg.

Dự báo thị trường hạt tiêu toàn cầu chịu áp lực do căng thẳng địa chính trị tại Đông Âu và chính sách “Zezo Covid” của Trung Quốc. Hiện vụ thu hoạch hạt tiêu tại Indonesia và Trung Quốc gần kết thúc. Sản lượng hạt tiêu đen của Indonesia tương đương năm 2021, nhưng sản lượng hạt tiêu trắng dự kiến thấp hơn khoảng 15%. 

Sang tháng 9, vụ thu hoạch hạt tiêu ở Brazil vào cao điểm, năng suất dự kiến tương đương năm ngoái. Các nhà xuất khẩu Brazil đang đẩy mạnh bán hàng tồn để chuẩn bị cho đợt hàng vụ mới. Thực tế vài tháng gần đây, lượng hạt tiêu Brazil bán ra thị trường nhiều hơn với giá rẻ. Cùng với giá logicstic hợp lý, hạt tiêu Brazil đang chiếm ưu thế trên nhiều thị trường, nhất là tại châu Mỹ. 

Trong khi đó, sau một thời gian dài ngừng hoạt động, các thương nhân Trung Quốc cũng đã trở lại thu mua tại Việt Nam và Indonesia. Tuy nhiên, sức mua vẫn còn hạn chế và nhu cầu của các khu vực khác như Hoa Kỳ, EU không tăng.

Trong tháng 8/2022, giá hạt tiêu nội địa của Việt Nam giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước tiêu thụ hạt tiêu lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc.

Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) cho biết, Trung Quốc đã quay trở lại mua tiêu nhưng điều này có thể không đủ để thúc đẩy thị trường do Brazil và Indonesia đang bước vào mùa thu hoạch trong năm 2022. IPC kỳ vọng thị trường hạt tiêu sẽ ổn định và tăng lên trong tháng 11 và tháng 12/2022.

Nhu cầu yếu vẫn là yếu tố kìm hãm sự phục hồi của giá tiêu trong nước. Sức cầu của thị trường đang đối mặt với nguy cơ giảm sút khi lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, hai thị trường tiêu thụ hạt tiêu lớn nhất của nước ta.

Đáng chú ý, theo số liệu của VPA, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đã giảm đến 79,5% (tương ứng 26.560 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 6.836 tấn. Sau khi tăng mạnh trong tháng 6 xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc đã chững lại và giảm 59% trong tháng 7, chỉ đạt 1.227 tấn.

Cán cân cung cầu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng

Hiện cán cân cung cầu mặt hàng hạt tiêu năm 2022 chuyển dần về trạng thái cân bằng. Tổng lượng tồn và sản xuất vẫn đủ đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt, xuất khẩu tiêu sang Trung Quốc từ đầu năm trì trệ càng khiến đà tăng của thị trường thêm khó khăn.

Các chuyên gia nhận định, giá tiêu thế giới trong thời gian tới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.

Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA), nguồn cung hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 280 – 290 nghìn tấn (bao gồm 175 nghìn tấn sản lượng; 40 nghìn tấn nhập khẩu và 80 nghìn tấn tồn kho từ năm 2021 chuyển sang). 

Giá tiêu bị đè nặng bởi áp lực địa chính trị và dịch bệnh, khó "sáng" trong ngắn hạn - Ảnh 2.

Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường.

Tháng 8/2022, giá hạt tiêu nội địa giảm mạnh do nhu cầu tiêu thụ giảm, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nhất là ở các nước tiêu thụ hạt tiêu lớn như Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Ngày 29/8/2022, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 5.000 – 5.500 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 29/7/2022, xuống mức 66.500 – 70.0000 đồng/kg; Giá hạt tiêu trắng ở mức 105 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2022 và thấp hơn so với mức 117.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Theo ước tính, tháng 8/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 18 nghìn tấn, trị giá 72 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 10,1% về trị giá so với tháng 7/2022, so với tháng 8/2021 tăng 3,0% về lượng và tăng 9,3% về trị giá. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 161 nghìn tấn, trị giá 712 triệu USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam tháng 8/2022 ước đạt mức 4.003 USD/tấn, giảm 5,0% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 6,1% so với tháng 8/2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.434 USD/tấn, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Từ đầu tháng 8/2022, thị trường châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Đông có dấu hiệu chuyển dịch nguồn cung sang Brazil để mua hàng vụ mới do chi phí Logistics và giá cả thấp hơn. Các nhà nhập khẩu châu Âu và Hoa Kỳ đã ký hợp đồng với các nhà xuất khẩu Việt Nam đến cuối năm nay. Trong khi đó, sức mua từ thị trường Trung Quốc yếu. Do đó, giá hạt tiêu tại thị trường nội địa khó có thể tăng trở lại trong ngắn hạn. 

Về chủng loại: Tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu hầu hết các chủng loại hạt tiêu giảm, ngoại trừ hạt tiêu trắng xay. Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đen, hạt tiêu đen xay, hạt tiêu trắng xay giảm, nhưng xuất khẩu hạt tiêu trắng tăng so với cùng kỳ năm 2021. 

Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt xấp xỉ 13,3 nghìn tấn, trị giá 54,35 triệu USD, giảm 21,4% về lượng và giảm 20,1% về trị giá so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu đen đạt 100,54 nghìn tấn, trị giá 427,91 triệu USD, giảm 27,1% về lượng và giảm 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu đen sang nhiều thị trường chính giảm, như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Trung Quốc. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu đen sang một số thị trường chủ lực tăng, gồm: Ấn Độ, Ai Len, Hàn Quốc, Đức. 

Tháng 7/2022, xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt 1,64 nghìn tấn, trị giá 9,17 triệu USD, giảm 33,2% về lượng và giảm 22,8% về trị giá so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt gần 16 nghìn tấn, trị giá trên 96 triệu USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 51% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang hầu hết các thị trường chính tăng, gồm: Hoa Kỳ, Hà Lan, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang các thị trường Đức, Trung Quốc, Bangladesh giảm.

Để giảm thiểu những tác động của thị trường, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, tránh những rủi ro của giá lên xuống bấp bênh, ngành tiêu trong nước cần thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sự ổn định để có đầu ra bền vững.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục