Giá tôm nuôi cao không bán được hàng, Thủy sản Minh Phú (MPC) lên kế hoạch lãi giảm 20%
Giá tôm nuôi ở Việt Nam đang ở mức cao
Tại Đại hội, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết giá thành tôm nuôi ở Ấn Độ rất thấp chỉ 3,4 - 3,8 USD/kg, tại Ecuador còn thấp hơn chỉ 2,2 - 2,4 USD/kg, còn giá tôm nuôi ở Việt Nam từ 4,8 - 5 USD/kg. Điều này khiến cho mặt hàng tôm của Việt Nam nói chung và của Thuỷ sản Minh Phú nói riêng không bán được hàng.
Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho Thuỷ sản Minh Phú cũng như ngành tôm Việt Nam thì không còn con đường nào khác ngoài việc phải giảm được giá thành tôm nuôi xuống bằng Ấn Độ, tiến tới là ngang bằng Ecuador.
Để cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và tôm Ecuador, vị lãnh đạo Thuỷ sản Minh Phú đưa ra bốn giải pháp chiến lược.
Thứ nhất, tận dụng các loài tôm bản địa của Việt Nam mà đối thủ không có. Theo đó, Thuỷ sản Minh Phú sẽ không trực tiếp cạnh tranh với mức giá quá thấp của Ecuador, thay vào đó tập đoàn này sẽ gia tăng sản xuất và xuất khẩu tôm sú, tôm bạc thẻ và tôm đất; đẩy nhanh, đẩy mạnh gia hoá cải thiện di truyền tôm bố mẹ sú/tôm bố mẹ bạc thẻ/tôm bố mẹ đất. Đây là 3 loại tôm bản địa của Việt Nam mà Ecuador không có, từ đó tiến tới nâng thị phần của tôm sú từ 20% lên 50%, tôm bạc thẻ và tôm đất từ 5% lên 20%.
Thứ hai, hợp tác với đối tác nước ngoài để nâng cao chất lượng tôm giống. Thuỷ sản Minh Phú cho biết sẽ hợp tác với các công ty sản xuất tôm bố mẹ ở Hawaii (Hoa Kỳ) để gia hoá và sản xuất tôm bố mẹ thẻ chân trắng ở Việt Nam, nhằm tạo ra tôm giống có khả năng chống chịu tốt và thích ứng tốt với dịch bệnh, thời tiết, khí hậu và môi trường của Việt Nam, cũng như có giá thành tôm bố mẹ thấp.
Thứ ba, sản xuất tôm giống kháng bệnh. Thuỷ sản Minh Phú sẽ tập trung sản xuất ra tôm giống chất lượng cao kháng bệnh và thích nghi với thời tiết khí hậu, môi trường Việt Nam đưa tỷ lệ thành công của ngành nuôi tôm Việt Nam đến năm 2030 đạt trên 60% và đến năm 2035 đạt trên 80%.
Thứ tư, hoàn thiện các mô hình nuôi tôm để hạ giá thành về tương đương Ấn Độ và Ecuador. Thuỷ sản Minh Phú đề ra việc triển khai các mô hình nuôi tôm sú rừng, tôm sú quảng canh, tôm sú bán thâm canh, tôm sú - lúa, tôm thẻ chân trắng thâm canh và tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao phù hợp với từng vùng miền với giá thành thấp bằng Ấn Độ từ năm 2030 và bằng Ecuador từ năm 2035.
Minh Phú chốt chia lợi nhuận 2022 tỷ lệ từ 4,11%-6,17%/mệnh giá
Về phân chia lợi nhuận, Đại hội nhất trí không trích lập các quỹ từ nguồn lợi nhuận sau thuế năm 2022. Giữ lại 70-80% lợi nhuận và ủy quyền cho HĐQT phân bổ cho phù hợp (đầu cho các dự án còn dang dở, dự phòng rủi ro tài chính năm 2023). Công ty thông qua mức chia cổ tức 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 20-30% lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (tương ứng 4,11%-6,17%/mệnh giá). Đại hội ủy quyề cho HĐQT lựa chọn tỷ lệ chi trả cụ thể trong khoảng phê duyệt này và lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện thủ tục chốt danh sách cổ đông theo quy định.
Về phân phối lợi nhuận năm 2023 dự kiến trích lập quỹ khen thưởng phúc lợi 10%; quỹ nghiên cứu phát triển 10%, cổ tức chia 50-70%; lợi nhuận chưa phân phối để lại 10-30%.
Trong quý I/2023, Minh Phú ghi nhận doanh thu đạt 2.122,57 tỷ đồng, giảm 49,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm 98,3 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 91,18 tỷ đồng.
Lý giải kết quả kinh doanh suy giảm, Thủy sản Minh Phú cho biết do doanh thu bán hàng trong kỳ giảm. Ngoài ra, kết quả sản xuất kinh doanh của các Công ty nuôi tôm thương phẩm Minh Phú Lộc An, Minh Phú Kiên Giang và Công ty sản xuất tôm giống Minh Phú Ninh Thuận không có hiệu quả.
Tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Thủy sản Minh Phú giảm 10,7% so với đầu năm, tương ứng giảm 1.135,5 tỷ đồng, về 9.502,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho ghi nhận 4.740,7 tỷ đồng, chiếm 49,9% tổng tài sản.