Giá trị nhập khẩu tôm tại Mỹ tăng 17% trong tháng 10/2021
Mỹ nhập khẩu 85.442 tấn tôm, trị giá 807,5 triệu USD trong tháng 10/2021, tăng 9% về khối lượng và 17% về giá trị so với tháng 10/2020. 12 trong top 20 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ tăng xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Giá trung bình nhập khẩu đạt 9,45 USD/kg, tăng 7% so với 8,80 USD/kg của cùng kỳ năm 2020 và tăng 2% so với tháng 9/2021 (9,22 USD/kg). Lần cuối cùng giá nhập khẩu của Mỹ đạt mức cao này là vào tháng 4/2018 với 9,48 USD/kg.
Trong tháng 9 năm nay, Mỹ lần đầu tiên giảm khối lượng nhập khẩu tôm sau 9 tháng liên tiếp khối lượng nhập khẩu tăng với 74.040 tấn, giảm 1% so với tháng 9/2020.
Theo Jeff Sedacca, Giám đốc điều hành Union City cho rằng, khối lượng nhập khẩu giảm trong tháng 9 có khả năng liên quan tới những thách thức trong chuỗi nguồn cung toàn cầu và dự báo sẽ có một làn sóng nhập khẩu tôm lớn vào Mỹ trong thời gian tiếp đó. Nhiều lô tôm được nhập khẩu vào Mỹ trong mùa hè hoặc cuối mùa hè mặc dù đại dịch gây ra trở ngại trong chuỗi nguồn cung toàn cầu, thiếu container, kho lạnh và thiếu hụt lực lượng lao động ở một số nguồn cung tôm của Mỹ trên thế giới.
Ấn Độ là nguồn cung tôm chính cho Mỹ, xuất khẩu 36.640 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 330,3 triệu USD trong tháng 10/2021, tăng 22% về khối lượng và 25% về giá trị so với tháng 10/2020. Giá trung bình xuất khẩu đạt 9,01 USD/kg, tăng 2% so với tháng 10/2020 (8,81 USD/kg) và giảm 1% so với tháng 9/2021 (9,05 USD/kg).
Ấn Độ chiếm 43% tổng nhập khẩu tôm của Mỹ. nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Ấn Độ tiếp tục đà tăng từ tháng 9 khi Ấn Độ xuất khẩu 32.738 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 296 triệu USD, tăng 31% về lượng và 34% về giá trị.
Giá tôm nguyên liệu của Ấn Độ tiếp tục tăng. Giá tại đầm tôm chân trắng nguyên liệu tại bang nuôi tôm lớn nhất của nước này, Andhra Pradesh ổn định với tất cả các cỡ trong tuần 49. Tính tới 8/12, giá tôm nguyên liệu tại bang này không thay đổi trong 3 tuần, vẫn duy trì mức đỉnh đạt được trong tuần 46.
Indonesia và Ecuador tiếp tục cạnh tranh nhau vị trí nguồn cung tôm lớn thứ hai cho Mỹ. Indonesia đã giành lại vị trí thứ hai trong tháng 10 khi nước này xuất khẩu 16.867 tấn tôm cho Mỹ, trị giá 155,5 triệu USD, tăng 16% về khối lượng và 17% về giá trị.
Giá xuất khẩu trung bình tôm Indonesia đạt 9,22 USD/kg, tăng 1% so với tháng 10/2020 (9,16 USD/kg).
Giá tại đầm tôm chân trắng nguyên liệu vẫ ổn định hoặc giảm tại các khu vực sản xuất tôm chính của Indonesia, Tây và Trung Java.
Ecuador xuất khẩu 12.734 tấn tôm sang Mỹ, trị giá 106,8 triệu USD trong tháng 10/2021, tăng 2% về lượng và 32% về giá trị. Tháng 9, nước này xuất khẩu sang Mỹ 13.611 tấn tôm, trị giá 111,4 triệu USD, giảm 10% về lượng và 19% về giá trị.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu trung bình tôm Ecuador sang Mỹ đạt 8,39 USD/kg, tăng 30% so với tháng 10/2020 (6,44 USD/kg).
Ngành tôm Ecuador cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2021 như thiếu container, chi phí sản xuất tăng và giá tôm nguyên liệu giảm.
Trung Quốc từng đứng thứ năm về cung cấp tôm cho Mỹ, xuất khẩu 753 tấn tôm cho Mỹ, trị giá 3,7 triệu USD trong tháng 10, giảm 14% về lượng và 22% về giá trị so với tháng 10/2020.
Giá xuất khẩu trung bình đạt 4,85 USD/kg, giảm 10% so với tháng 10/2020. Trung Quốc đứng thứ tám về cung cấp tôm cho Mỹ trong tháng 10 năm nay.