Giá xăng tăng hơn 10 lần, thu nhập không đủ bù chi phí, lái xe phải tìm việc khác
Theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít. Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng; xăng E5 RON 92 cũng lên mức 30.230 đồng/lít.
Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng và tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần điều chỉnh tăng và 3 lần giảm.
Giá xăng tăng cao kỷ lục đã tác động rất lớn tới đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động kinh doanh vận tải đẩy các doanh nghiệp vận tải vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng có.
Đánh giá về giá xăng dầu tăng vọt, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu đã tăng hơn 10 lần.
"Dự kiến giá xăng, dầu sẽ tăng lên đến 35.000 đồng/lít, thậm chí còn cao hơn trong giai đoạn từ nay đến hết tháng 6/2022", ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, giá xăng dầu tăng cao là một thách thức rất lớn đối với hoạt động vận tải.
Ông Hùng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, hoạt động vận tải hành khách gần như tê liệt trong 2 năm qua, một số tỉnh, thành được hoạt động cũng chỉ vận hành được 50% số lượng phương tiện và chỉ được phục vụ 50% số chỗ ngồi trên xe. Có những tỉnh thành còn thực hiện giãn cách xã hội đến tận tháng 1/2022 như Hưng Yên.
Thực tế, các doanh nghiệp đang rất khó khăn, việc khôi phục hoạt động kinh doanh vận tải trở lại mới đạt được 70% nhưng lại đang gặp nhiều thách thức về thiếu hụt lao động do trung tâm đào tạo dạy nghề ngừng hoạt động trong 2 năm qua. Mặt khác, do thời gian giãn cách xã hội quá dài vì Covid-19, giá xăng tăng liên tục, lái xe đi làm không có thu nhập phải chuyển đổi công việc khác.
Theo ông Hùng, xăng dầu chiếm tỷ trọng từ 35-40% trong cấu thành giá cước, giá xăng dầu điều chỉnh ảnh hưởng đến 50% giá cước vận tải, từ đó cũng ảnh hưởng đến 50% giá các mặt hàng khác khi sử dụng dịch vụ vận tải.
Điều chỉnh giá cước vẫn phải nằm trong quy định của bình ổn giá, vận tải muốn tăng giá phải kê khai báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Trong quá trình điều chỉnh giá, buộc phải ngừng các phương tiện hoạt động, thêm phần khó khăn.
Để tháo gỡ cho doanh nghiệp vận tải, ông Hùng kiến nghị Liên Bộ Công thương – Tài chính cần vào cuộc, đề xuất với Chính phủ quyết định cho doanh nghiệp tạm ngưng đóng quỹ bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022.
Ông Hùng cho rằng, các chính sách phải mạnh mẽ, chính sách mà nhỏ giọt thì không thể khôi phục được, không thể bứt tốc được.
Cùng với đó, phải đồng bộ hoá tất cả các chính sách. Chính phủ ban hành 320.000 tỷ đồng để hỗ trợ khôi phục sản xuất, 40.000 tỷ để hỗ trợ ngân hàng giảm 2% lãi suất cho doanh nghiệp, trong khi xăng dầu lại tăng giá sẽ tạo sự không đồng bộ, làm đứt gãy chuỗi khôi phục sản xuất.
Nhà nước, doanh nghiệp phải cùng đóng góp vào quỹ bình ổn giá với người dân. Hiện nay, chỉ có người dân tham gia đóng góp quỹ này bằng việc đóng 300 đồng/lít xăng. Tất cả phải chung tay mới kiểm soát được giá xăng dầu, nếu không kiểm soát được các mặt hàng khác tăng theo, lạm phát sẽ là điều tất yếu.