Giá xuất khẩu cao su quý III tăng 32,7%, dự báo chưa thể hạ nhiệt

04/11/2021 16:21 GMT+7
Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá xuất khẩu cao nhất trong nhiều năm qua.

Giá xuất khẩu cao su tăng mạnh

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý III/2021, Việt Nam xuất khẩu được 574,91 nghìn tấn cao su, trị giá 948,59 triệu USD, giảm 8,9% về lượng, nhưng tăng 20,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Mặc dù lượng cao su xuất khẩu giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 vẫn đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua nhờ giá cao su tăng mạnh. 

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Về thị trường, cao su của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á, chiếm tới 88,5% tổng trị giá xuất khẩu cao su của cả nước, với 509,69 nghìn tấn, trị giá 839,4 triệu USD, giảm 13,1% về lượng, nhưng tăng 15% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. 

Giá xuất khẩu cao su quý III tăng 32,7%, dự báo chưa thể hạ nhiệt - Ảnh 1.

Giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong quý III/2021 đạt bình quân 1.650 USD/tấn, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái

Trong quý III/2021, trị giá xuất khẩu cao su sang tất cả các khu vực đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là châu Mỹ tăng 106,3%, châu Âu tăng 96,4%, châu Phi tăng 89,8% và châu Đại Dương tăng 128,8% so với cùng kỳ năm 2020.

Về chủng loại xuất khẩu, trừ một số chủng loại cao su (hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, Latex, RSS3, cao su hỗn hợp, cao su tái sinh, cao su tổng hợp...) giảm, thì phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam trong quý III/2021 đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 64,1% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 368,68 nghìn tấn, trị giá 608,05 triệu USD, giảm 17% về lượng, nhưng tăng 8,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 99,3% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu của cả nước, với 366,11 nghìn tấn, trị giá 603,45 triệu USD, giảm 17,1% về lượng, nhưng tăng 8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu cho hay, trong các tháng đầu năm 2021, hầu hết các thị trường nhập khẩu cao su lớn đều tăng nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2020, trong đó tăng mạnh nhất là Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản và khối thị trường EU (27)… Đáng chú ý, nhập khẩu cao su từ Việt Nam của các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên ngoài Trung Quốc thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Do đó các thị trường này vẫn còn nhiều cơ hội để cao su của Việt Nam gia tăng thị phần.

Xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn?

Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 sẽ tăng 9,3% so với năm 2020, lên 14,1 triệu tấn. Triển vọng được điều chỉnh là do dự đoán nhu cầu tốt hơn từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong năm 2021.

Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên, sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Số liệu cũng cho thấy thế giới sẽ thiếu hụt 240.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.

Trước tình hình nguồn cung dự báo thiếu hụt và diễn biến giá cao su hiện nay, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TP HCM cho rằng giá cao su sẽ không sớm hạ nhiệt bởi các tháng cuối năm công trường ngưng cao mũ, lúc đó giá sẽ càng có điều kiện đẩy lên cao.

"Dự kiến giá cao su sẽ tăng đến hết quý I/2022", ông Quốc Anh dự báo.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá nguyên liệu tăng cao, tình hình vận chuyển chưa có dấu hiệu được cải thiện, tình trạng thiếu container rỗng sẽ tiếp tục diễn ra. Đồng thời, giá cước vận chuyển cao được dự báo kéo dài sang tận năm 2022 sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu cao su.

Ông Quốc Anh cho biết so với đầu năm, giá cao su tổng hợp đã tăng khoảng 20%. Với mức giá này, các doanh nghiệp xuất khẩu rất muốn đàm phán để nâng giá nhưng do hợp đồng đã ký kết cả năm nên không thể thay đổi dù giá nguyên liệu tăng cao.

"Từ đây đến cuối năm, các doanh nghiệp phải thực hiện xong các hợp đồng đã ký của năm nay thì sang năm 2022 mới có thể đàm phán lại mức giá mới với mức tăng tương ứng theo giá nguyên liệu", ông Nguyễn Quốc Anh nói.



An Vũ
Cùng chuyên mục