Giảm thuế nhập nông sản Mỹ: Phải có đi có lại chứ không thể cho không!

11/12/2019 16:25 GMT+7
Ngay trong năm 2020, Mỹ đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu thịt gà, lợn, táo, nho tươi và có lộ trình giảm về 0% ở các năm tiếp theo. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu đề nghị này được thông qua, người tiêu dùng sẽ hưởng lợi nhưng ngành chăn nuôi trong nước sẽ đứng trước nhiều nỗi lo.

Mới đây, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành về sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, phía Mỹ đề nghị, thuế nhập khẩu một số mặt hàng nông sản như thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt gà; hạnh nhân, táo, nho tươi, lúa mỳ, thịt lợn, khoai tây... được đề nghị giảm.

Bộ Tài chính nêu, những mặt hàng trên được xem xét giảm thuế trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% ở những năm tiếp theo, theo đề nghị từ phía Mỹ. Việc giảm thuế lần này cũng nằm trong tính toán cân bằng thương mại với Mỹ.

Ví dụ, thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà được đề nghị giảm thuế về 14,5% vào năm 2020, so với 20% hiện tại và còn 0% vào năm 2028.

Ngoài thịt gà, Mỹ cũng đề nghị Việt Nam giảm thuế với táo tươi, nho tươi nhập từ nước này về 0% ngay trong năm 2020; lúa mỳ, khoai tây chế biến... được đề nghị giảm thuế xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021. Tương tự, thuế nhập khẩu thịt lợn được Mỹ đề nghị giảm từ 25% xuống 18,9% vào 2020 và 0% vào 2027.

Giảm thuế nhập nông sản Mỹ: Phải có đi có lại chứ không thể cho không! - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế các mặt hàng nông sản sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, tuy nhiên ngành chăn nuôi trong nước sẽ gặp nhiều thách thức.

Trao đổi xung quanh vấn đề này, PGS.TS Phạm Tất Thắng (Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương - Bộ Công Thương) cho rằng, trong quá trình hội nhập việc giảm thuế xuất nhập khẩu về 0% là một xu thế chung của thế giới, nhất là với các quốc gia có ký hiệp định thương mại tự do với nhau. "Giảm thuế sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, giá thành giảm, được sử dụng hàng hóa có chất lượng cao", PGS.TS Phạm Tất Thắng nói.

Tuy nhiên, theo ông Thắng việc đề xuất lần này cũng cần phải xem xét bởi các mặt hàng phía Mỹ đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu ưu đãi là các mặt hàng nông sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi.

PGS.TS Phạm Tất Thắng phân tích, do Mỹ và Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do với nhau, Mỹ đã rút ra khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và hiện không có mặt trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), do đó Việt Nam không có trách nhiệm phải giảm thuế.

Thứ hai, chưa giảm thuế thì sức cạnh tranh của một số sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam so với sản phẩm chăn nuôi của Mỹ đã thua kém, như thịt gà, thịt lợn... Nếu giảm thuế bây giờ thì dù người tiêu dùng Việt Nam được lợi vẫn sẽ tạo sức ép lớn lên ngành chăn nuôi Việt Nam, do đó, vị chuyên gia cho rằng chưa nên giảm thuế. Nếu Việt Nam có cân nhắc giảm thuế một số sản phẩm thì cũng phải theo một lộ trình nhất định.

Thứ ba, một câu hỏi đặt ra là Việt Nam giảm thuế cho một số mặt hàng nông sản của Mỹ vào thị trường Việt Nam thì đổi lại, Washington sẽ giảm thuế gì cho Việt Nam? Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT cần phải ngồi lại với nhau để đưa ra yêu cầu "có đi có lại" và phải coi đây là trách nhiệm, không có thể có chuyện "cho không".

Thứ tư, trong điều kiện hiện nay, với sức cạnh tranh giữa hàng Việt với hàng Mỹ, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, vẫn cần phải có các rào cản, rồi mở dần cho sản phẩm của Mỹ vào thị trường Việt Nam.

"Nếu hàng Mỹ ngay một lúc vào Việt Nam lập tức sẽ tạo nên sức ép ghê gớm, cạnh tranh không tương sức đối với ngành chăn nuôi Việt Nam", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của nhà kinh doanh, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai tỏ ra lo lắng trước đề xuất giảm thuế đối với các loại thịt nhập. "Ngành chăn nuôi gà và heo trong nước sẽ đứng trước bờ vực nguy hiểm, thậm chí trong tương lai có thể chết dần", ông Đoán nói.

Ông Đoán dẫn chứng trong năm 2017 và 2018, ngành chăn nuôi đã thua lỗ hàng loạt, nợ nần chồng chất vì giá thịt gà, thịt heo rớt thảm bán dưới giá thành. Nay nếu giảm thuế nhập, thịt heo Mỹ chắc chắn sẽ tràn vào với số lượng lớn. Thịt heo Mỹ vào nhiều đồng nghĩa với việc thịt nhập khẩu sẽ thay thế dần nguồn cung, khi đó ngành chăn nuôi heo trong nước khó có đất sống.

"Con gà cũng vậy thôi. Thịt gà Mỹ vào, giá gà sẽ hạ, người nuôi gà khó cạnh tranh nổi. Như vậy chuyện rớt giá, nuôi thua lỗ, đóng cửa trại chỉ còn là câu chuyện sớm hay muộn" - ông Đoán bày tỏ.

Vị đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng cho rằng cái lợi được nhất khi thịt heo, gà Mỹ giá rẻ vào VN là người tiêu dùng trong nước. Nhưng về lâu dài, khi thịt ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường thì giá chưa chắc đã rẻ. Dẫn chứng câu chuyện này là thịt bò nhập sau khi chiếm lĩnh thị phần, giá rất đắt đỏ.

Chưa giảm thuế đã nhập rất nhiều

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong chín tháng đầu năm nay, cả nước nhập khẩu 215,7 ngàn tấn thịt gà các loại với kim ngạch đạt hơn 186 triệu USD. Con số này tăng 49% về lượng và tăng 46% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. VN nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước như Mỹ, Brazil, Hàn Quốc…

Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà. Trong đó, đùi gà chiếm tỉ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).

An Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục