Góc nhìn CEO: Trung Quốc là "tương lai" của thị trường hàng hiệu xa xỉ
Những thống kê đã chỉ ra rằng tổng chi tiêu cho các mặt hàng, dịch vụ xa xỉ (tính cả chi tiêu trong nước và nước ngoài, khi đi du lịch) của người Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới. Chính các CEO những thương hiệu cao cấp cũng thừa nhận khó có thể thành công trên thị trường quốc tế nếu không có một doanh nghiệp con “ăn nên làm ra” tại thị trường tỷ dân.
Tờ South China Morning Post đã thực hiện một phỏng vấn nhỏ với nhiều CEO nhãn hàng thời trang cao cấp, trong đó có cả CEO gốc Châu Á Charles Leung của LVMH (công ty mẹ của Louis Vuitton, Christian Dior…) hay CEO Fendi Serge Brunschwig về tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc với sự phát triển thương hiệu.
Serge Brunschwig, CEO Fendi
Từng cống hiến lâu năm tại LVMH và giữ ghế CEO Fendi từ năm 2018, ông Serge Brunschwig nhận định: “Dù muốn dù không, những người tiêu dùng trẻ tuổi tại các thị trường mới nổi như Trung Quốc rồi sẽ trở thành động lực chính của các thương hiệu xa xỉ. Những bộ sưu tập phong cách như Fendi Mania gần đây với logo Fendi được thiết kế lại gần giống thương hiệu đồ thể thao Fila đã chứng minh được sức hút lớn với thế hệ 8X và 9X bằng doanh thu khổng lồ, nhất là qua các kênh mua sắm trực tuyến”.
Charles Leung, CEO Fred (LVMH)
Charles Leung là người gốc Á đầu tiên giữ vị trí CEO toàn cầu trong tập đoàn thời trang cao cấp lớn nhất hành tinh LVMH, với vai trò “nhạc trưởng” cho dòng trang sức di sản Pháp Fred. Leung tin rằng tương lai cho sự hồi sinh thương hiệu Fred nằm ở thị trường Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
“Không nghi ngờ gì, thị trường Trung Quốc đại lục nói riêng và toàn bộ khu vực Châu Á Thái Bình Dương nói chung là thị trường với tiềm năng sinh lời cao, nếu không muốn nói là thị trường quan trọng bậc nhất của các thương hiệu thời trang cao cấp Châu Âu. ...Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chúng tôi là mang đến một góc nhìn khác về những di sản Châu Âu, không chỉ về hình thái vật thể trang sức, mà còn là giá trị tinh thần. Để tạo nên sự thành công trong thương hiệu, chúng tôi cần những khách hàng quốc tế, mà Châu Á là một cánh cửa tiềm năng. Vẫn còn nhiều dư địa phát triển ở thị trường này, đặc biệt là tại các quốc gia đông dân như Trung Quốc hay Ấn Độ, nơi tầng lớp trung lưu ngày càng tăng lên”.
Alexandre Arnault, CEO Rimowa
Từng hợp tác với hàng loạt thương hiệu thời trang cao cấp như Fendi hay Supreme, nhà sản xuất vali 121 năm tuổi Rimowa dưới thời Alexandre Arnault - con trai ông trùm LVMH Bernard Arnault - đang dần thay đổi văn hóa doanh nghiệp. CEO Alexandre Arnault đánh giá cao vai trò của thị trường Trung Quốc, đặc biệt là tiềm năng từ tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh mẽ kéo theo nhu cầu du lịch và mang đến những khách hàng mới.
“Đức vẫn là thị trường phân phối lớn nhất của Rimowa, nhưng nói đến doanh số, Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách” - ông Alexandre cho hay.
“Khi chúng tôi thực hiện các khảo sát tại Châu Á và hỏi người dân kể tên 5 thương hiệu cao cấp hàng đầu, thì 5 cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Hermès, Louis Vuitton, Chanel, Rolex và Rimowa. Những tiềm năng đặc biệt ở Châu Á nói chung và Trung Quốc nói riêng là sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu - đối tượng khách hàng mới cho Rimowa. Du lịch đang trở thành nhu cầu phổ biến, chi phí vé máy bay ngày càng rẻ và các tour du lịch phát triển. Người dân bây giờ đi máy bay đơn giản như họ nhảy lên tàu điện ngầm, và những vật dụng như vali trở nên cần thiết hơn” - CEO Rimowa nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường Châu Á.