Greenfeed Việt Nam: DN thức ăn chăn nuôi mà IFC muốn rót 180 triệu USD có gì hấp dẫn?
Theo nguồn tin từ DealStreetAsia, The International Finance Corporation (IFC), thành viên thuộc World Bank, đang cân nhắc một khoản đầu tư tài chính trị giá 180 triệu USD đối với Công ty Cổ phần Greenfeed Việt Nam (Greenfeed Việt Nam). Vậy doanh nghiệp này có gì hấp dẫn thành viên của World Bank đầu tư?
Greenfeed Việt Nam được thành lập năm 2003, hoạt động trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, sản xuất thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản.
Tới nay, doanh nghiệp này đã có hệ thống 10 nhà máy tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Lào được trang bị công nghệ sản xuất từ Mỹ và Châu Âu, với tổng công suất trên 2 triệu tấn sản phẩm hàng năm. Sản phẩm thức ăn của Greenfeed Việt Nam được phân phối bởi hệ thống trên 3.000 đại lý và các trang trại mua trực tiếp.
Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Greenfeed Việt Nam đã đạt trên 4.900 tỉ đồng, tăng gần 43% so với thời điểm cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu chiếm gần một nửa tổng tài sản, ở mức 2.306 tỉ đồng.
Quy mô liên tục được mở rộng tuy nhiên kết quả kinh doanh lại có dấu hiệu thụt lùi qua từng năm. Sau năm 2016 ghi nhận kết quả ấn tượng với 10.034 tỉ đồng doanh thu và 701 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, các chỉ tiêu kinh doanh của Greenfeed Việt Nam liên tục sụt giảm trong 2 năm 2017 và 2018.
Tăng trưởng dương trở lại vào năm 2019 khi doanh nghiệp này lãi sau thuế 512 tỉ đồng, tăng gần 52% so với năm trước dù doanh thu gần như chỉ đi ngang từ năm 2017, đạt mức 9.445 tỉ đồng. Tuy nhiên, các chỉ tiêu này vẫn còn thấp hơn lần lượt 27% và 6% so với kết quả đạt được năm 2016.
Quy mô nhỏ, lợi nhuận to
Dù liên tục mở rộng qua từng năm, quy mô của Greenfeed Việt Nam vẫn còn tương đối khiêm tốn so với các “đại gia” cùng ngành đang niêm yết trên sàn chứng khoán như Masan Meatlife hay Dabaco.
Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 của doanh nghiệp này chỉ bằng phân nửa so với Dabaco và tương đương khoảng 1/3 so với Masan Meatlife. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm cũng thua xa so với con số 7.523 tỉ đồng của Masan Meatlife và 3.026 tỉ đồng của Dabaco.
Khó có thể so bì về mặt quy mô, song lợi nhuận của Greenfeed Việt Nam lại ấn tượng hơn nhiều so với Masan Meatlife và Dabaco.
Năm 2019, Greenfeed Việt Nam thu về 512 tỉ đồng lãi ròng trong khi lợi nhuận của Masan Meatlife và Dabaco chỉ tương ứng ở mức 370 tỉ đồng và 305 tỉ đồng. Nhờ đó, các chỉ tiêu sinh lời của doanh nghiệp này cũng vượt trội với ROA (tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản) đạt 10,4% và ROE (tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu) đạt 22,2%.