Hà Nội: Dự án khó khăn, chậm tiến độ ảnh hưởng nguồn thu từ quyền sử dụng đất
Kết quả đạt thấp, vì sao?
Năm 2018, huyện Quốc Oai tổ chức 15 phiên đấu giá quyền sử dụng đất với tổng diện tích 27.820m2, số tiền trúng đấu giá là 420,8 tỷ đồng. Số tiền thu từ các dự án đấu giá quyền sử dụng đất được địa phương sử dụng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi, dân sinh như: Giao thông, thủy lợi nội đồng, trường học, nhà văn hóa…
Quyền Trưởng phòng Tài chính huyện Quốc Oai Phùng Huy Diễn cho biết, nhờ nguồn vốn này, 20/20 xã của Quốc Oai đều có thêm công trình thiết yếu, bảo đảm các tiêu chí và cán đích xã nông thôn mới. Đây cũng là cơ sở để huyện đăng ký phấn đấu đạt huyện nông thôn mới năm 2018.
Tương tự, tại địa bàn huyện Hoài Đức, nhờ đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả cao, huyện đã có thêm nguồn lực để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đạt huyện nông thôn mới vào năm 2017 và phấn đấu trở thành quận vào năm 2020. Cũng như vậy, các huyện Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai, quận Hà Đông… luôn là những địa phương đạt kết quả đấu giá quyền sử dụng đất khá cao, hơn 100% kế hoạch.
Tuy nhiên, đánh giá chung trên toàn địa bàn thành phố, kết quả đấu giá đất và thu từ đấu giá đất chưa cao. Cụ thể, năm 2018, thành phố đặt mục tiêu thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất là 13.710,62 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ đạt 59,47% kế hoạch; năm 2019, mục tiêu là 15.972,29 tỷ đồng, nhưng đến hết quý I-2019, toàn thành phố mới thu khoảng 1.350 tỷ đồng, đạt 8,5% kế hoạch năm.
Nguyên nhân khiến kết quả thu tiền đấu giá quyền sử dụng đất đạt thấp là do việc triển khai các dự án gặp khó khăn, nên từ đầu năm đến nay nhiều địa phương chưa tổ chức được phiên đấu giá quyền sử dụng đất. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Hoàng Quốc Thịnh chia sẻ: Hiện, toàn huyện có 10 dự án đấu giá đất chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
"Trong đó có dự án xây dựng hạ tầng đấu giá quyền sử dụng đất nhỏ lẻ, xen kẹt tại điểm X1, xóm Bàng, thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, quy mô 4.600m2, đã hoàn thành các thủ tục, nhưng một số chủ sử dụng đất đi vắng, không liên hệ được, nên còn hơn 1.000m2 chưa thể thu hồi", ông Hoàng Quốc Thịnh nêu ví dụ.
Ngoài ra, theo đánh giá của nhiều địa phương, còn một số nguyên nhân khác như: Công tác xác định mốc giới đất công xen kẹt trong khu dân cư gặp khó khăn do biến động về nguồn gốc, hồ sơ địa chính khác với thực tế; chưa có được ý kiến thống nhất của cộng đồng dân cư… Và hơn hết, thị trường bất động sản không còn sôi động như những năm trước nên nhiều dự án đấu giá đất ở khu vực xa trung tâm không đủ sức hấp dẫn. Đơn cử, huyện Gia Lâm đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn xã Lệ Chi từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn còn 7 lô chưa có nhà đầu tư đăng ký. Hay như tại địa bàn huyện Mỹ Đức, hiện còn tới 119 lô đất… với tổng diện tích 13.000m2, đã tổ chức đấu giá 2 lần, nhưng không thành.
Dừng dự án không bảo đảm điều kiện
Xác định đấu giá quyền sử dụng đất là kênh tạo nguồn vốn đầu tư quan trọng cho các địa phương, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã thành lập tổ công tác rà soát việc triển khai kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất. Trường hợp không bảo đảm các điều kiện về vốn xây dựng hạ tầng, quy hoạch, giải phóng mặt bằng… thành phố yêu cầu tạm dừng; đồng thời bổ sung kế hoạch năm 2019 những dự án đã đủ điều kiện cần thiết xây dựng hạ tầng, để đấu giá, bảo đảm nguồn thu ngân sách theo kế hoạch. Trong quá trình rà soát, các tổ công tác kịp thời báo cáo UBND thành phố những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.
Một phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Thạch Thất..
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết: Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, ngay từ đầu quý II-2019, Sở có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố khẩn trương thực hiện kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2019; rà soát, bổ sung những dự án đã có kế hoạch đấu giá, nhưng chưa thực hiện trong năm 2018, để tiếp tục triển khai trong năm 2019; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất... Qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra.
“Thông thường, trong những tháng đầu năm, các địa phương tập trung hoàn thiện các điều kiện theo quy định, nên công tác đấu giá quyền sử dụng đất sẽ tập trung triển khai từ quý II trở đi”, ông Nguyễn Minh Mười nhận định.
Với kinh nghiệm là huyện có tỷ lệ đấu giá đất thành công cao, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức Phạm Gia Lộc cho biết, vấn đề mấu chốt là khu đất đưa vào quy hoạch đạt các tiêu chí theo quy định; và trong quá trình thực hiện, địa phương, đơn vị giải quyết kịp thời, dứt điểm thắc mắc, kiến nghị của công dân...
Trong khi đó, theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai Nguyễn Trung Thành, khâu rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất, bố trí vốn được làm chặt chẽ, đầy đủ các bước… chắc chắn việc tổ chức đấu giá sẽ thành công. "Từ đầu năm, huyện Quốc Oai đã tổ chức một phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu được hơn 66 tỷ đồng. Dự kiến, trong tháng 5-2019, huyện sẽ tổ chức 3 phiên đấu giá quyền sử dụng đất nữa" - ông Nguyễn Trung Thành thông tin