Hai tuần tới, khoảng 86 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn

01/08/2022 17:02 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái linh hoạt trên hoạt động thị trường mở (OMO) để điều tiết thanh khoản trên thị trường cũng như hạ nhiệt sức ép từ tỷ giá.

Bộ phận nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI vừa phát hành báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ ngày 25/7 – 29/7.

Sẽ có khoảng 86 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, hạ nhiệt thanh khoản

Báo cáo nêu rõ, thanh khoản trên hệ thống trong 2 tuần vừa qua đã gặp nhiều áp lực, một phần đến từ việc thực hiện các hợp đồng bán USD kỳ hạn và có thể mang tính mùa vụ khi đây thường là thời điểm nộp thuế quý II/2022 về Kho bạc Nhà nước

Điều này khiến dòng tiền bị rút ra khỏi hệ thống một số lượng nhất định và đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh.

Hai tuần tới, khoảng 86 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Gần như ngay lập tức, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng một lượng lớn tiền thông qua hoạt động thị trường mở và đồng thời cũng linh hoạt thay đổi phương thức đấu thầu trên kênh này, chuyển từ đấu thầu khối lượng sang đấu thầu lãi suất nhằm để thị trường xác định mức lãi suất hợp lý trên kênh này.

Kéo theo đó, lãi suất trên OMO đã bật tăng mạnh từ mức 2,5% trước đó lên 4,3% cho kỳ hạn 1 tuần. Điều này, theo các chuyên gia bên cạnh việc giảm bớt áp lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định tỷ giá, cũng cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang tương đối linh hoạt nhằm điều tiết thị trường và mức lãi suất OMO có thể giảm trở lại khi thanh khoản hạ nhiệt.

Kết tuần giao dịch vừa qua, NHNN đã bơm ra thị trường 58,4 nghìn tỷ đồng trong đó có 46 nghìn tỷ thông qua kênh OMO và gần 13 nghìn tỷ thông qua kênh tín phiếu đáo hạn.

Báo cáo cũng cho thấy, lãi suất liên ngân hàng có những thời điểm trong tuần vượt 5% và hạ dần về cuối tuần. Kết tuần, lãi suất kỳ hạn qua đêm ghi nhận ở 4,5% (tăng 170 điểm cơ bản so với tuần liền trước) và chênh lệch lãi suất VND-USD duy trì ở mức dương gần 200 điểm cơ bản.

Trong hai tuần tới, các chuyên gia SSI ước tính có khoảng 86 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn sẽ giúp hạ nhiệt thanh khoản, tuy nhiên lượng OMO phát hành trong tuần trước cũng đáo hạn, ngược lại sẽ tác động tiêu cực tới thanh khoản.

Do vậy, thanh khoản hệ thống có thể tạm thời vẫn đang chịu áp lực và nghiệp vụ OMO vẫn kỳ vọng tiếp tục được thực hiện.

Theo quan sát của Dân Việt, trong phiên giao dịch ngày hôm nay, Ngân hàng Nhà nước đã "bơm nóng" gần 3.000 tỷ đồng cho 6 thành viên qua kênh OMO. Lãi suất trúng thầu là 3,8%/năm - giảm 0,5 điểm %.

Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ trở lại trong thời gian tới

Liên quan đến động thái điều hành Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhân, tín dụng 7 tháng đầu năm tăng 9,14%, nghĩa là cầu tín dụng đã tăng lên, trong khi nguồn huy động vốn của ngân hàng chỉ tăng 4,21%, tạo áp lực tăng lãi suất.

Cùng với đó, đồng USD tăng giá, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, không thể giảm lãi suất được, vì giảm nghĩa là đồng Việt Nam rẻ, dẫn đến chuyện găm giữ ngoại tệ.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã phải điều tiết lãi suất ngắn hạn cũng như là tiền tệ phù hợp, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Hai tuần tới, khoảng 86 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn - Ảnh 3.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước theo sát diễn biến để kết hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn với liều lượng hợp lý để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đây là điểm tạo niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, dự trữ ngoại hối nhà nước của Việt Nam được củng cố trong thời gian vừa qua. Ngân hàng Nhà nước điều tiết hợp lý, sẵn sàng bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.

Tuy nhiên, thời gian tới, khi thị trường cải thiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều tiết và có thể tiếp tục mua.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục