Hiệp định EVFTA có thể đón “đại bàng” EU đến “làm tổ”
Từ ngày 1/8 tới đây, Hiệp định EVFTA sẽ được thực thi, đây được xem là cơ hội thúc đẩy xuất khẩu lớn cho Việt Nam vào thị trường EU.
Theo đánh giá của ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, trong số các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết và thực thi, EVFTA được đánh giá là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Số liệu nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa thực hiện Hiệp định.
Theo đó, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033).
"Thực hiện Hiệp định EVFTA, ngành Hải quan đã và đang tích cực triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, hoàn thiện thể chế pháp luật về hải quan, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của các doanh nghiệp và của nền kinh tế", ông Tưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, tại khu vực EU, thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam còn rất hạn chế.
Ở góc độ thu hút đầu tư, ông Khanh đánh giá, với môi trường đầu tư mở và thuận lợi hơn sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi, thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ gia tăng.
"Việt Nam đang trong tâm thế đón "đại bàng" làm tổ nhưng đón được hay không, lan tỏa đầu tư đến đâu thì khó đưa ra nhận định chắc chắn. Tuy nhiên, tôi cảm nhận với EVFTA thu hút đầu tư sẽ tăng, khác với CPTPP
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng nên thận trọng khi nhìn nhận vấn đề này bởi trước đây, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đánh giá khi có hiệu lực sẽ làm tăng thu hút FDI, nhưng sau một năm CPTPP có hiệu lực, tổng kết lại cho thấy thu hút đầu tư theo chiều giảm xuống", ông Khanh nhận định.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham thông tin thêm, từ đánh giá của các thành viên hiệp hội, nhà đầu tư châu Âu hiện quan tâm đến 3 nhân tố chủ chốt của Việt Nam để thu hút đầu tư, bao gồm cải thiện cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính trong lĩnh vực hải quan.
Do vậy, doanh nghiệp EU hy vọng sẽ nhận được những chia sẻ từ cơ quan quản lý nhà nước và hải quan, liên quan đến việc thực thi hiệp định, đặc biệt về các vấn đề chứng nhận xuất xứ với hàng nhập khẩu từ châu Âu, hay việc áp dụng thuế suất ưu đãi của Hiệp định.