Hội nghị gặp gỡ Ấn Độ - Lạng Sơn 2025: Mở ra chương mới cho hợp tác nông nghiệp, du lịch và xuất nhập khẩu

Hoàng Tính
01/06/2025 08:45 GMT +7
Sáng ngày 31/5, tại Nhà khách A1, thành phố Lạng Sơn, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Ấn Độ năm 2025".

Sự kiện diễn ra đã đánh dấu một bước tiến ý nghĩa, quan trọng, hứa hẹn mở ra những cơ hội hợp tác sâu rộng, thực chất giữa tỉnh Lạng Sơn và các đối tác Ấn Độ, đặc biệt trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và xuất nhập khẩu.

Bệ phóng từ mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển, đặc biệt sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại buổi gặp gỡ. Ảnh: Hoàng Tính

Trong suốt 70 năm qua, hai quốc gia luôn duy trì tình cảm ấm áp và thân thiện. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở cả Việt Nam và Ấn Độ đang tạo ra những cơ hội mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và kinh doanh song phương.

Thương mại hai chiều đã vượt mốc 15 tỷ USD vào năm 2024, minh chứng cho tiềm năng hợp tác to lớn.

Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên đã tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ song phương.

Đáng chú ý, trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng Bí thư Tô Lâm vào tháng 9 năm 2024 và chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Ấn Độ vào tháng 8 năm 2024, lãnh đạo hai nước đã nhất trí rằng hai bên nên tập trung nhiều hơn vào các cam kết kinh tế, khuyến khích hợp tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp bền vững, công nghệ chuyển đổi, và nhiều lĩnh vực khác.

Bà T. Ajungla Jamir, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam phát biểu. Ảnh: Hoàng Tính

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, bày tỏ niềm vinh dự khi được phối hợp tổ chức sự kiện ý nghĩa này, diễn ra đúng vào dịp tỉnh Lạng Sơn tổ chức Ngày Quốc tế Yoga và giao lưu văn hóa Ấn Độ. Những sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn như hoa hồi, thạch đen thời gian vừa qua đã có bước phát triển mạnh tại thị trường Ấn Độ

Cũng tại hội nghị, bà T. Ajungla Jamir, Phó Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam, nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những nền kinh tế năng động nhất toàn cầu và Ấn Độ coi trọng việc tăng cường hợp tác kinh tế với các địa phương của Việt Nam, coi đây là một ưu tiên. Tiếp nối thành công của sự kiện "Gặp gỡ Ấn Độ - Hòa Bình 2024", "Gặp gỡ Ấn Độ - Lạng Sơn" được kỳ vọng sẽ tạo ra những cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp hai bên tăng cường hợp tác.

Hương vị Xứ lạng vươn tầm quốc tế

Lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm được xác định là một trong những trụ cột hợp tác tiềm năng.

Lạng Sơn, với 86,69% diện tích tự nhiên là đất nông nghiệp và 76,8% dân cư sống ở nông thôn, có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.

Các đại biểu tỉnh Lạng Sơn tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoàng Tính

Tỉnh Lạng Sơn được mệnh danh là "thủ phủ của hoa Hồi" với diện tích 43.500 ha, chiếm 70% diện tích hồi của Việt Nam, cho sản lượng khoảng 16.000 tấn/năm.

Ấn Độ, được biết đến là "Xứ sở gia vị và hương liệu", là thị trường xuất khẩu quan trọng cho hoa hồi Lạng Sơn, với khoảng 80% sản lượng được xuất sang đây dưới dạng tinh dầu, gia vị hữu cơ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm.

Các đại biểu Ấn Độ tại Hội nghị. Ảnh: Lạng Sơn

Bên cạnh hoa hồi, Lạng Sơn còn có thế mạnh về cây thông (140.000 ha, cung cấp 50.000 tấn nhựa thông/năm), quế (10.500 ha, sản lượng 1.500 tấn/năm), cây ăn quả như na (4.100 ha, 36.000 tấn/năm), hồng (1.900 ha, 10.000 tấn/năm), và thạch đen (2.000 ha, 10.000 tấn/năm), một sản phẩm cũng đã bắt đầu có mặt tại thị trường Ấn Độ.

Hiện Lạng Sơn có 201 sản phẩm OCOP, thể hiện sự năng động và sáng tạo của người dân trong việc nâng cao giá trị nông sản.

Ông Hoàng Văn Chiều – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lạng Sơn cho hay: Ấn Độ là một trong những thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản của tỉnh Lạng Sơn như quả và tinh dầu hồi, ớt, bột thạch đen, các sản phẩm nhựa thông... Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu còn thấp, có sản phẩm còn xuất khẩu qua nước thứ 3, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác, phát triển của hai bên.

“Trong thời gian tới tỉnh Lạng Sơn rất mong muốn Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) sẽ mở rộng xúc tiến thương mại nông nghiệp, để doanh nghiệp của hai bên mở rộng đầu tư sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn như hoa hồi, trái cây, dược liệu” ông Chiều cho hay.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, ông Hà Viết Quý – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư XNK Đức Quý cho hay: "Chúng tôi đang sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây thạch đen, đây là cây trồng đặc trưng của tỉnh Lạng Sơn, với chất lượng ổn định sản phẩm của chúng tôi đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, tại thị trường Ấn Độ sản phẩm của chúng tôi đã có mặt, nhưng thông qua 1 nước thứ 3. Vì vậy tôi rất mong muốn thông qua Hội nghị lần này tỉnh Lạng Sơn và Hiệp Hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ chúng tôi để xuất khẩu sản phẩm trực tiếp sang thị trường Ấn Độ".

Ông Hà Viết Quý – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư XNK Đức Quý mong muốn sẽ xuất khẩu được trực tiếp sản phẩm thạch đen sang Ấn Độ như đã thành công ở nhiều thị trường khác. Ảnh: Hoàng Tính

Cũng như ông Quý, bà Phạm Thị Giang – Công ty TNHH chế biến và xuất khẩu nông lâm sản Lạng Sơn cho hay: "Từ 2012 chúng tôi đã xuất khẩu sản phẩm hoa hồi Lạng Sơn sang thị trường Ấn Độ, nhưng mới chỉ là nhưng sản phẩm thô, do đó giá trị chưa cao. Từ hồi chúng tôi đã chế biến thành 30 sản phẩm trong đó nhiều sản phẩm có chứng nhận OCOP, chúng tôi mong muốn được Hiệp Hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam hỗ trợ để kết nối với các doanh nghiệp tại Ấn Độ để xuất khẩu những sản phẩm tinh chế từ hoa hồi, có như vậy thì giá trị kinh tế mới cao".

Ông Navendu Kumar – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam (INCHAM) cho hay: Hiện nay Hiệp hội đang có khoảng 400 doanh nghiệp với các ngành nghề khác nhau, Ấn Độ là quốc gia với 1,4 tỷ dân. Vì vậy, Ấn Độ là thị trường rất lý tưởng cho các doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng phát triển thị trường. Hiệp hội sẽ kết nối để các doanh nghiệp Lạng Sơn hợp tác với các doanh nghiệp trong INCHAM, từ đó sẽ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.

Khai mtiềm năng di sản và cảnh quan

Lạng Sơn sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch đa dạng, từ du lịch tâm linh với tín ngưỡng thờ Mẫu nổi tiếng, 06 làng du lịch sinh thái cộng đồng, đến du lịch biên mậu nhờ vị trí địa lý chiến lược.

Đặc biệt, việc Công viên địa chất Lạng Sơn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào ngày 17/4/2025 (và sẽ đón nhận danh hiệu vào tháng 6/2025) có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển du lịch bền vững của tỉnh. Năm 2024, Lạng Sơn đón 4,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 142.500 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 4.350 tỷ đồng.

Doanh nghiệp Lạng Sơn và Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam trao đổi thông tin về sản phẩm hồi. Ảnh: Hoàng Tính

Ấn Độ cũng là một điểm đến hấp dẫn với di sản cổ, các công trình tôn giáo và cảnh quan đa dạng, đặc biệt phổ biến với các Phật tử Việt Nam qua các thánh tích Phật giáo.

Ông Hoàng Xuân Thuận – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lạng Sơn cho hay, với những tiềm năng và lợi thế của Lạng Sơn, ông hy vọng sẽ được đón ngày càng nhiều du khách Ấn Độ đến tham quan, trải nghiệm các giá trị địa chất, văn hóa đặc sắc của Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Lạng Sơn. Đồng thời cũng sẽ giới thiệu những tiềm năng du lịch của Ấn Độ cho nhân dân Lạng Sơn biết và mong muốn tìm hiểu, du lịch.

Tại hội nghị, các bài thuyết trình về khả năng hợp tác du lịch giữa hai bên của ông Atanu Dey (Công ty CCTT Global) và ông Ngô Mạnh Tùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lạng Sơn đã phác thảo thêm nhiều ý tưởng hợp tác tiềm năng.

Xuất nhập khẩu và Logistics kết nối chiến lược

Lạng Sơn với vị thế là cửa ngõ quan trọng kết nối Trung Quốc và các nước ASEAN, điểm đầu tiên của Việt Nam trên hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn có vai trò then chốt trong hoạt động xuất nhập khẩu và logistics.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển đầu tư, thương mại và du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn và INCHAM sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển trong thời gian tới. Ảnh: Hoàng Tính

Tỉnh Lạng Sơn có trên 231,74 km đường biên giới với Trung Quốc, 2 cửa khẩu quốc tế (với các lối mở và đường chuyên dụng), 1 cửa khẩu song phương và 7 cửa khẩu phụ. Khu kinh tế cửa khẩu rộng 394 ha và các khu, cụm công nghiệp đang được đầu tư hạ tầng đồng bộ. Năm 2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh đạt 66,5 tỷ USD.

Ông Sandeep Kashyap từ Công ty SG Global Commodity Company Ltd đã có bài thuyết trình về hợp tác vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, nhấn mạnh vai trò của Lạng Sơn như một trung tâm logistics quan trọng, kết nối Ấn Độ Dương với nội địa Trung Quốc thông qua Việt Nam. Hành lang kinh tế Nam Ninh – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng đang được tích hợp vào chuỗi cung ứng ASEAN – Nam Á.

Hàng hóa nông sản từ Ấn Độ có thể đến Hải Phòng bằng đường biển, sau đó vận chuyển lên Lạng Sơn để tiếp tục vào Trung Quốc hoặc các thị trường phía Bắc ASEAN. Dự án Công viên Logistic Viettel tại Lạng Sơn, khai trương vào tháng 12/2024, được kỳ vọng sẽ tối ưu hóa quy trình giao nhận, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Một điểm nhấn quan trọng của hội nghị là Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác phát triển đầu tư, thương mại và du lịch giữa Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn và INCHAM.

Hội nghị "Gặp gỡ Ấn Độ - Lạng Sơn 2025" đã thành công tốt đẹp, không chỉ là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý và doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi thông tin, mà còn thực sự mở ra những định hướng hợp tác cụ thể và thiết thực.