Hướng đi nào cho ngành dệt may trong năm 2021?

15/12/2020 17:13 GMT+7
Theo nhận định của giới chuyên môn, với những lợi ích do các Hiệp định thương mại (FTA) mang lại, ngành dệt may, da giày sẽ có nhiều hy vọng phục hồi với khả năng liên kết, chủ động về đơn hàng.

Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, thời gian qua, nhiều đối tác, nhãn hàng thời trang thế giới dự kiến tăng mua sản phẩm dệt may từ Việt Nam sau dịch Covid-19.

Nguyên nhân của động thái trên, một phần do chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các nhãn hàng và do các FTA mà Việt Nam tham gia. Do đó, VITAS nhận định, năm 2021 vẫn tiếp tục là thời gian khó khăn của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, tới giai đoạn 2022-2023, ngành này sẽ từng bước hồi phục một cách mạnh mẽ.

Bà Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động cho biết, dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới DN dệt may và giày dép.

Hướng đi nào cho ngành dệt may trong năm 2021 - Ảnh 1.

Ngành dệt may có nhiều triển vọng phát triển năm 2021 nhờ các FTA được thực thi.

Cụ thể, ảnh hưởng của đại dịch, có tới 94,2% doanh nghiệp (DN) da giày, 87,1% DN dệt may bị giảm đơn hàng. Ngoài ra, 84,5% DN da giày, 53,5% DN dệt may bị khách hoãn hủy đơn và 74,8 DN da giày, 22,9% DN dệt may không xuất khẩu được.

"Xu hướng ngắn hạn và trung hạn của các DN là đa dạng hóa khách hàng, thị trường và sản phẩm. Còn DN da giày xu hướng giảm gia công, đa dạng hóa khách hàng. Về dài hạn, là xu hướng công nghệ xanh mạnh mẽ và tiếp tục tự động hóa", bà Chi cho biết.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch VITAS, bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, việc các FTA được ký kết và có hiệu lực thời gian qua cũng đem lại không ít tín hiệu tích cực cho ngành dệt may.

Cụ thể, với các FTA thế hệ mới, DN phải đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ. Điều này thúc đẩy các nhà máy và cả nhãn hàng tăng cường mua bán nguyên vật liệu trong nước.

Tuy nhiên, theo ông Giang cho hay, hiện nay, đa phần các DN thiếu các kênh thông tin và cơ chế hỗ trợ để liên kết. Chưa có một cổng thông tin toàn diện về ngành dệt may và giày dép-túi xách ở Việt Nam, cho phép các DN có thể tìm kiếm các đối tác hợp tác hiệu quả. Do đó, đa phần là ‘tự thân vận động’ bằng cách tìm hiểu qua truyền miệng hoặc quan hệ cá nhân, gây hạn chế về thông tin.

Về thị trường xuất khẩu, do ảnh hưởng đại dịch Covid – 19, nhu cầu các sản phẩm dệt may của châu Âu và Mỹ trong năm 2020 giảm lần lượt là 45% và 40%; giảm 27% và 21% với giầy dép.

Cho tới thời điểm quý IV/2020, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ và châu Âu, khiến cho thời điểm hồi phục của ngành thời trang về mức trước khi đại dịch được dự đoán là cuối năm 2022, đầu năm 2023.

Hướng đi nào cho ngành dệt may trong năm 2021 - Ảnh 2.

Nhiều đối tác nước ngoài đã bày tỏ dự định tăng mua các sản phẩm dệt may của Việt Nam

Tuy nhiên, nhận định về thị trường thời gian tới, đại diện VITAS dự báo, hai ngành dệt may và da giày Việt Nam cũng có nhiều cơ hội trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi. Trung Quốc không chỉ giảm tổng lượng xuất khẩu (lên tới 50% với một số mặt hàng) mà mức giá cũng giảm sâu nhất (20%).

Hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là mặt hàng khó may, có giá trị cao, nhờ vậy mà vẫn giữ giá và mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ. Vào tháng 6/2020, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu lớn nhất hàng may mặc vào Mỹ, vị trí mà Trung Quốc chiếm giữ nhiều năm nay.

Ở thị trường châu Âu, hiện tại Việt Nam mới chiếm khoảng 3% thị phần. Với hiệp định EVFTA có hiệu lực ngày 1/8/2020, dự báo xuất khẩu giày sẽ tăng 50% và dệt may tăng 67% vào 2025. Các DN đã bắt đầu một số điều chỉnh mang tính chiến lược trong thời gian 1-3 năm tới. Có tới 55,7% DN dự định thúc đẩy tự động hóa, 49,8% sẽ phát triển sản phẩm mới, 39,9% sẽ đa dạng hơn nữa sản phẩm và 41,5% sẽ đầu tư nâng cao kĩ năng lao động.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục