Hy Lạp khẳng định không "từ bỏ" Trung Quốc

14/06/2021 18:45 GMT+7
Hy Lạp không có kế hoạch chấm dứt mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc dù cho các quốc gia khác đang xem xét lại quan hệ làm ăn với quốc gia Đông Á này, đại diện thường trực của Hy Lạp cho hay.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các quốc gia châu Âu đã xấu đi kể từ tháng 3 vừa qua, khi EU quyết định cùng với Mỹ và một số đồng minh thân cận của Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt với nhiều quan chức Trung Quốc vì cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương. Bắc Kinh sau đó lên tiếng phủ nhận, đồng thời trả đũa bằng cách công bố loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào các thành viên Nghị viện châu Âu.

Trong diễn biến mới nhất, EU đã trì hoãn việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư toàn diện với Bắc Kinh, vốn được hai bên nhất trí vào tháng 12/2020 ngay trước thềm Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức thay thế người tiền nhiệm Donald Trump.

Ngoài ra, cuối tuần qua, nhóm các nền kinh tế phát triển G7 bao gồm một số quốc gia EU cũng ra tuyên bố chung kêu gọi Trung Quốc “tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”. Tuyên bố này đã khiến Bắc Kinh nổi giận, yêu cầu các quốc gia khác không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trong khi căng thẳng Trung Quốc - EU leo thang như vậy, đại sứ Hy Lạp Spiros Lambridis, đồng thời là đại diện thường trực của Hy Lạp tại NATO cho biết nước này không có ý định chấm dứt quan hệ kinh tế với Trung Quốc. “Chúng tôi đưa ra những lựa chọn chiến lược có lợi nhất cho quốc gia… Cho đến nay, chúng tôi đã tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường với một dự án cụ thể và thời gian hoàn thành cụ thể. Dù chúng tôi không coi đó là mối quan hệ chiến lược nhất, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không từ bỏ nó”.

Hy Lạp khẳng định không "từ bỏ" Trung Quốc - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis (phải) đến thăm nhà ga hàng hóa của công ty Trung Quốc Cosco ở cảng Piraeus, Hy Lạp vào năm 2019 (Ảnh: AFP)

Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc hậu thuẫn là một kế hoạch cơ sở hạ tầng nhằm xây dựng mạng lưới đường bộ, đường biển nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, Châu Âu và Châu Phi. Trong khi Washington nhiều lần cáo buộc đây là chiến lược nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Bắc Kinh đồng thời gieo rắc bẫy nợ cho các quốc gia nghèo, thì chính phủ Trung Quốc khẳng định sáng kiến đa phương này nhằm mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực.

Hy Lạp đã và đang thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc trong bối cảnh hậu khủng hoảng tài chính, sau khi quốc gia Địa Trung Hải nhận được ba chương trình viện trợ từ Bắc Kinh. Dù một trong số đó không thể hoàn tất nhưng các khoản đầu tư từ Trung Quốc cho đến nay vẫn là một nguồn thu quan trọng với quốc gia nợ nần chồng chất như Hy Lạp.

Cảng Piraeus, nơi công ty vận tải biển Cosco của Trung Quốc chiếm đa số cổ phần vào năm 2016 là một dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Cảng nằm ở vị trí chiến lược giữa lục địa Châu Á và Châu Âu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thực hiện một số khoản đầu tư lớn vào Hy Lạp trong các lĩnh vực năng lượng và bất động sản.

“Nếu chúng tôi nhận thấy bất kỳ mối đe dọa nào từ mối quan hệ (với Trung Quốc), chúng tôi sẽ xem xét lại. Nhưng tại thời điểm này, tất cả những gì chúng tôi đạt được là lợi ích từ mối quan hệ thương mại lành mạnh” - đại sứ Hy Lạp Spiros Lambridis nhấn mạnh.

Nhận xét của đại sứ Spiros Lambridis tương phản với những nhận định từ một số quốc gia châu Âu khác, những người nghi ngờ tính minh bạch và mục đích của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường. Chẳng hạn, phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị G7, Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết Ý sẽ thận trọng đánh giá lại rủi ro từ việc tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường.

Ý trở thành nền kinh tế đầu tiên trong nhóm G7 ký bản ghi nhớ với Bắc Kinh vào năm 2019 để tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường. Nhưng sau đó, Mỹ và nhiều quốc gia EU khác đã bày tỏ các quan ngại về rủi ro từ sáng kiến này. 

Hôm 12/6, nhóm 7 nhà lãnh đạo các nền kinh tế tiên tiến G7 đã nhất trí về một sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng mới nhằm chống lại sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các nước đang phát triển. Sáng kiến có tên Xây dựng Thế giới tốt đẹp hơn do Mỹ đề xuất, nhằm mục đích hình thành nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính của nhóm G7 trước khi huy động tài trợ từ khu vực tư nhân, tập trung vào việc tài trợ cho các lĩnh vực trọng tâm bao gồm khí hậu, y tế, an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới.


NTTD
Cùng chuyên mục