Jack Ma và câu chuyện "phất lên" giữa đại dịch của Alibaba
Từ SARS đến Covid-19, Alibaba từng bước đi lên
Câu chuyện khởi nghiệp của Jack Ma luôn mang đến cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp và doanh nhân, nhưng tài năng lãnh đạo của vị CEO này chỉ được khẳng định khi ông chèo lái Alibaba vượt qua cuộc khủng hoảng SARS vào năm 2003.
Vào thời điểm đại dịch SARS bùng nổ khiến hơn 8000 người bị nhiễm bệnh và 800 người chết, nhiều trường học, nhà máy và cửa hàng phải đóng cửa, các thành phố sôi động ở Trung Quốc vào thời điểm đó đều hoang vắng như những thành phố ma, hình ảnh vốn đã không còn xa lạ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ vào đầu năm nay.
Vào thời điểm đó, Alibaba là doanh nghiệp non trẻ và chủ yếu tập trung vào thương mại điện tử B2B, là trung gian giữa các công ty Mỹ và nguồn cung ứng Trung Quốc. Hội chợ Canton ở Quảng Châu là một trong những hội chợ quốc tế lớn nhất ở Trung Quốc cho các công ty thương mại B2B. Một nhân viên Alibaba bị nhiễm bệnh SARS khi được cử đến hội chợ Canton vào tháng 5/2003. Sau khi quay trở về Hàng Châu – trụ sở của Alibaba, nhân viên này phải nhập viện và trở thành bệnh nhân thứ 4 ở thành phố.
Alibaba nhanh chóng bị coi là “ổ dịch” và có khả năng khiến dịch bệnh lây lan khắp thành phố, điều này gây tác động tiêu cực đến danh tiếng công ty hầu như ngay lập tức. Hơn 500 nhân viên công ty bị cách ly ở nhà trong 12 ngày và buộc phải làm việc từ nhà.
Nhưng đại dịch SARS cũng là thời cơ với Alibaba. Nhiều công ty ở khắp nơi trên thế giới không thể cử nhân viên đến Trung Quốc làm việc, vì vậy Alibaba trở thành địa chỉ phân phối các sản phẩm Trung Quốc đến các doanh nghiệp nước ngoài. Từ tháng 3/2003, Alibaba có thêm 4.000 nhân viên mới và 9.000 sản phẩm mới được đưa lên trang web hàng ngày, gấp 3-5 lần so với giai đoạn trước đại dịch SARS.
Các nhà cung cấp Trung Quốc không có nhiều sự lựa chọn cũng đồng thời đầu tư nhiều hơn vào marketing online trên trang web của Alibaba. Doanh số của Alibaba tăng 50% vào năm đó và thu về 10 triệu NDT mỗi ngày. Hơn một nửa trong số 1,4 triệu nhà cung cấp trên hệ thống này chứng kiến lợi nhuận tăng cao. Tận dụng thời cơ này, Jack Ma giới thiệu Taobao vào tháng 7/2003, nhắm vào B2C, và chỉ trong 2 năm, Taobao vượt mặt eBay để trở thành trang web thương mại điện tử nổi tiếng nhất trên thị trường Trung Quốc.
Bùng nổ đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc vào năm 2020 gợi nhớ về dịch SARS từ nhiều góc độ khác nhau, trong đó có tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc và thay đổi cách người tiêu dùng Trung Quốc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, đây lại lần nữa trở thành cơ hội lớn với các trang thương mại điện tử, đặc biệt là Alibaba, với mức tăng trưởng 15% ở mảng bán lẻ, dù tập đoàn này cảnh báo doanh thu giảm trong quý 1/2020 do sự đình trệ chuỗi cung ứng và không có đủ nhân viên giao hàng.
Thành công không tự đến
Vào năm 2016, Alibaba được bầu chọn là nhà bán lẻ lớn nhất và có giá trị nhất thế giới sau khi công bố giá trị thị trường 231 tỷ USD, vượt mặt Amazon với 150 tỷ USD và eBay với 65 tỷ USD. Vào năm 2018, Alibaba ghi tên vào lịch sử khi trở thành công ty thứ hai ở Châu Á có giá trị thị trường đạt hơn 500 tỷ USD.
Với mức lợi nhuận và đầu tư khổng lồ, Alibaba còn được biết đến là hình mẫu kinh doanh thành công điển hình gắn với trách nhiệm xã hội, đó được coi là một trong những lý do khiến doanh nghiệp này luôn được đánh giá có hướng phát triển bền vững. Với tư tưởng tập trung vào nhân viên, nhân viên Alibaba thường được báo cáo có mức độ hài lòng với công việc cao so với trung bình, cùng với nhiều dự án xã hội nhằm phát triển các khu vực nông thôn nước này. Vào năm 2010, công ty này tuyên bố sẽ đóng góp 0,3% doanh thu hàng năm để nâng cao nhận thức về môi trường và bảo vệ môi trường ở khắp nơi trên thế giới. Vào năm 2016, Alibaba đã quyên góp được 47,1 triệu USD cho các dự án môi trường nói riêng, đồng thời thành lập Tổ chức Alibaba nhằm tập trung vào các vấn đề xã hội.
Là nhà sáng lập Alibaba và nắm giữ cương vị CEO nhiều năm, tỷ phú Jack Ma với câu chuyện thành công truyền cảm hứng và cách thức lãnh đạo độc đáo của mình đã được nhắc đến ở rất nhiều cuốn sách doanh nhân thành đạt. Vào năm 2019, khi rời khỏi vị trí CEO quản lý trực tiếp của Alibaba, Jack Ma trở thành người đàn ông giàu có nhất Trung Quốc, đứng thứ 21 trong số những tỷ phú giàu nhất thế giới. Tỷ phú tự thân này hiện có tổng giá trị tài sản 40,5 tỷ USD. Tuy nhiên, người ta ngưỡng mộ ông bởi nhiều lý do hơn chỉ những con số đơn thuần trên các bảng xếp hạng tỷ phú. Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Jack Ma ngay lập tức ủng hộ 14,5 triệu USD nhằm chống lại đại dịch. Ông cũng là một trong những tỷ phú thế giới nổi tiếng với công tác từ thiện xã hội.
Alibaba với tư duy kinh doanh kế thừa từ vị cựu CEO này, tuyên bố sẽ duy trì sự ổn định trong lĩnh vực thương mại và công nghệ nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cần thiết cho người dân Trung Quốc cũng như giới thiệu các biện pháp hỗ trợ đối tác thành viên đang sử dụng trang web này, theo CEO hiện thời của Alibaba, ông Daniel Zhang.
Alibaba đang đứng trước cơ hội tăng trưởng bền vững từ đại dịch khi chính phủ Trung Quốc khuyến khích người dân tăng cường mua sắm online thay vì ra ngoài. Với 711 triệu người dùng hiện nay, tăng 18 triệu chỉ trong nửa đầu quý I/2020, Alibaba đang vượt qua cuộc khủng hoảng theo cách ít doanh nghiệp nào có thể làm được vào thời điểm này. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính kinh nghiệm vượt qua khủng hoảng SARS vào năm 2003 đã cho Alibaba những bài học quý báu và sát sườn để áp dụng khi đại dịch Covid-19 bùng nổ.