KDI Holdings chi 2.000 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn công nghệ cao
Trong những năm qua, tình hình dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là dịch tả châu Phi đã gây ra những tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước nói chung và thế giới nói riêng. Chính phủ đã và đang ra sức chỉ đạo tái tạo, khôi phục tổng đàn lợn cũng như ổn định nguồn cung thực phẩm thiếu hụt, bình ổn thị trường kinh tế.
Chung tay đóng góp cho sự phát triển nền chăn nuôi nước nhà, Tập đoàn KDI Holdings đầu tư dự án liên hợp nông nghiệp công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Krông Pắc là huyện cao nguyên có địa hình tương đối bằng phẳng nằm ở phía Đông tỉnh Đắk Lắk, nơi có các tuyến quốc lộ chạy dọc huyện nối liền với thành phố du lịch Nha Trang đồng thời kết nối ra quốc lộ 14 chạy về TP.HCM. Khí hậu Krông Pắc tương đối mát mẻ, phù hợp với ngành trồng trọt và chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn.
Bên cạnh đó, bản thân địa phương cũng định hướng phát triển chăn nuôi lợn. Từ đó, chủ trương phát triển của Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An (Tập đoàn KDI Holdings đầu tư vốn) trong những năm tới là tập trung nghiên cứu, triển khai hệ thống quy mô trang trại chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao. Xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc được chọn làm trang trại chăn nuôi lợn nái.
Quy mô dự án gồm trại lợn giống bố mẹ với 10.000 con, trại lợn giống ông bà cụ kị 2.000 con, trại lợn thịt thương phẩm 144.000 con, khu sản xuất ngô nguyên liệu thức ăn chăn nuôi 30.000 tấn mỗi năm, nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ phế thải trang trại.
Tháng 9-2020, dự án được Tập đoàn KDI Holdings bắt đầu triển khai và dự kiến hoàn thành xây dựng cơ bản trong 18 tháng với tổng diện tích đất cho trang trại khoảng 750ha. Theo quy hoạch mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao với tổng giá trị dự trù đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Mô hình khép kín từ khu quy hoạch, trồng ngô, xây dựng nhà máy và cung cấp thức ăn trong khu. Hệ thống cấp thức ăn cho lợn hoàn toàn tự động. Từ vùng trồng ngô sẽ tiến vào nhà máy sản xuất thức ăn, xe bồn vận chuyển tới silo chứa cám trung tâm trang trại, phân phối tới các silo đầu chuồng và từ đó tự động cấp tới máng ăn từng con theo tiêu chuẩn.
Ông Kiều Hữu Long - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH HTV Lâm nghiệp Phước An cho biết, công ty đã tính toán kỹ lưỡng từng giai đoạn đầu tư xây dựng cụ thể. Ở giai đoạn đầu, chủ đầu tư sẽ làm đường giao thông nội bộ khu vực xây dựng trang trại, khoan giếng lắp hệ thống nước sạch, xây hàng rào, cổng, bốt bảo vệ, khu ăn ở sinh hoạt cho cán bộ, công nhân. Tiếp đó, việc lắp trạm biến thế điện, nhà làm việc của ban quản lý xây dựng trại, xây dựng bể biogas, đào ao xử lý chất thải cân bằng môi trường sinh thái, san lấp mặt bằng, làm mương máng thoát chất thải, xây dựng chuồng nuôi lợn của các khu vực, lợn bố mẹ, đực giống, dự bị, lợn sữa, lợn cai sữa, lợn thịt, khu cách ly, khu xuất bán, xây dựng xưởng cơ điện, trạm khử trùng, xây dựng trạm cân điện tử, cân ô tô… sẽ được hoàn thành.
Việc xây dựng chuồng trại cũng được chia theo từng phân khu. Trong đó, quy mô trại nái đủ nuôi 12.000 con nái, 200 con đực giống được lập thành 4 phân khu riêng tương đương 40ha khuôn viên xây dựng chuồng trại. Giai đoạn 1 năm 2020, công ty đầu tư chuồng trại nuôi 3000 lợn nái và 50 lợn đực giống, năm 2021 thả nuôi 9000 lợn nái và 150 lợn đực. Quy mô trại heo thương phẩm 144.000 con cũng được đầu tư trong hai giai đoạn 2020 và 2021. Dự kiến, cuối năm 2021 dự án hoàn thành toàn bộ đầu tư và đưa vào hoạt động 100% công suất chuồng trại.
Theo lãnh đạo Tập đoàn KDI Holdings, mục tiêu của dự án không chỉ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất thực phẩm sạch, chất lượng bằng phương pháp khoa học kỹ thuật, công nghệ cao mà còn tạo việc làm nâng cao thu nhập trực tiếp cho khoảng 200 lao động trong năm đầu tiên, và tăng dần khi sản xuất kinh doanh đi vào ổn định.
Với quy mô của trang trại có 12.200 con lợn nái, đực sinh sản và 144.000 con thương phẩm, vấn đề vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh được công ty đưa lên hàng đầu. Theo giải pháp dự án đưa ra, chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi là phân được máy cào gom về khu chế biến phân vi sinh. Nước sau khi ép lọc chảy vào bể biogas tạo khí gas làm chất đốt dùng cho trang trại như nấu nướng, sưởi ấm cho trang trại về mùa lạnh. Nước sau khi qua hố biogas được xử lý nuôi cấy men vi sinh phân hủy hoàn toàn chất hữu cơ tồn đọng và khử mùi. Sau đó, nước tiếp tục chảy vào các hồ thủy sinh lắng đọng có thời gian và nuôi cá.
Từ đây nước sạch đảm bảo không có mùi hôi thối, đạt tiêu chí, tiêu chuẩn cos B về vệ sinh môi trường của Sở Tài nguyên - Môi trường quy định. Nước sạch được dùng để tưới cho hệ thống trang trại trồng ngô khép kín của công ty...
Tổng Giám đốc Tập đoàn KDI Holdings Đỗ Tuấn Anh cho biết, có rất nhiều cột mốc quan trọng trong lộ trình phát triển các dự án tiếp theo của KDI, từ bất động sản, giáo dục, nội thất, nông nghiệp… Và ở địa hạt đầu tư nào, KDI cũng hướng đến những cơ hội, ngành nghề đóng góp cho xã hội, nền kinh tế.
Từ việc đầu tư vào trồng chuối công nghệ cao, đến giờ là hoạch định chiến lược nuôi lợn công nghệ cao ở vùng Tây Nguyên, KDI muốn đổi thay đời sống của người dân khu vực, “khai phá” cho người dân nơi đây hướng đi mới làm thế nào để tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn trên mảnh đất họ sinh sống bao đời với chính nông sản họ làm ra.