Khai thác tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở các khu kinh tế đặc biệt như thế nào?
Phát biểu tại một Tọa đàm Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19 vừa diễn ra, PGS. TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho rằng, Việt Nam có những danh lam thắng cảnh hàng đầu thế giới như vịnh Hạ Long, vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang, vịnh Vân Phong, động Phong Nha – Kẻ Bàng… Để sử dụng được những danh thắng ở tầm cỡ thế giới, phải mở cửa để thế giới sử dụng mới có hiệu quả.
"Chúng ta đang tập trung phát triển công nghiệp không phải là những ngành có lợi thế nhất ở Việt Nam, chúng ta nên đi theo con đường hiện đại hóa - ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ cao cấp mà Việt Nam có lợi thế. Trong đó, mấu chốt chính là lợi thế khai thác dịch vụ du lịch tại những khu vực trọng điểm, giàu tiềm năng, như Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang)...", ông Lược dẫn chứng.
Theo ông Lược, Quảng Ninh sở hữu một di sản trời ban đó là Vịnh Hạ Long – Kỳ quan thiên nhiên thế giới. Trong khi đó, chúng ta cũng có Phú Quốc - Đảo Ngọc sở hữu những bãi biển tuyệt đẹp.
Điểm giống nhau của hai khu kinh tế này là: Đều có thể phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, và giá trị bất động sản nghỉ dưỡng chắc chắn sẽ còn tăng cao, nhất là khi khai thác tốt luồng khách quốc tế, những du khách sẵn sàng chi nhiều tiền để hưởng thụ các dịch vụ đẳng cấp, tiện ích trong các tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp trên 5 sao.
Điểm khác nhau là khu Vân Đồn có nhiều tiềm năng trong tương lai hơn, khi vừa có thể phát triển các dịch vụ du lịch khám phá Vịnh Hạ Long, vừa phát triển du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm; Còn khu kinh tế Phú Quốc lại phát triển theo hướng dịch vụ du lịch biển. Đây đều là những tiềm năng mang lại giá trị kinh tế to lớn của 2 khu kinh tế.
Cũng theo vị nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới Võ Đại Lược, chúng ta cần những giải pháp để khai thác hiệu quả tiềm năng trên.
Thứ nhất, cần có quy hoạch phát triển tốt. Căn cứ vào thực tế phát triển của nhiều quốc gia thì các khu vực quan trọng như hai khu kinh tế trên cần phải thuê các tổ chức quy hoạch phát triển hàng đầu thế giới thực hiện, vì họ có kinh nghiệm thực tế chuyên quy hoạch cho các khu kinh tế quan trọng, họ có các tập đoàn xuyên quốc gia tin tưởng vào năng lực quy hoạch của họ, do vậy các tập đoàn lớn sẵn sàng đầu tư vào.
Thứ hai, cần mở cửa hơn nữa và mời các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới tham gia phát triển các khu này.
Thứ ba, phát triển dịch vụ du lịch phải đa dạng, không chỉ tắm biển, tham quan, mà phải là các đô thị thể thao, hội họp, triển lãm, mua sắm, an dưỡng… Chính sự đa dạng của các ngành dịch vụ này mới tạo ra sức hấp dẫn du khách. Để phát triển dịch vụ du lịch đa dạng, nhất thiết phải tổ chức và đẩy nhanh tốc độ xây dựng các tổ hợp kinh doanh bất động sản du lịch đa công năng, đa tiện ích, đặc biệt là tại các khu kinh tế chưa có hạ tầng du lịch phát triển như Vân Đồn.
Tổ hợp nghỉ dưỡng phải bao gồm khách sạn quốc tế, căn hộ nghỉ dưỡng; Dãy nhà phố thương mại; Công viên rừng; Quần thể tiện ích dịch vụ và Tổ hợp các công trình phức hợp vui chơi đáp ứng mọi nhu cầu giải trí của du khách và mang đến trải nghiệm văn hóa đặc sắc; Bến thuyền du lịch…
Chắc chắn, những mô hình phát triển phức hợp "Hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp quốc tế" khai thác đa chiều, trải nghiệm 04 mùa sẽ là mắt xích quan trọng làm nên sự tăng trưởng nhanh và bền vững cho các khu kinh tế đặc biệt như Vân Đồn hay Phú Quốc.
Thứ tư, thực hiện chế độ miễn thị thực rộng rãi cho các khách du lịch đến hai khu đô thị trên. Việt Nam đã có chính sách mở cửa rộng rãi trong suốt thời kỳ đổi mới, cả trong thị trường bất động sản du lịch như: Cho phép các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng cao cấp miễn thị thực nhập cảnh cho một số quốc gia, v.v...
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu và xây dựng và thực hiện cơ chế quản trị hiện đại… Tiềm năng phát triển của hai khu kinh tế Vân Đồn và Phú quốc là rất lớn, nhưng những tiềm năng này chỉ có thể được khai thác tốt mang lại hiệu quả nếu hội tụ được nhân tài trong nước và quốc tế với các cơ chế phù hợp. Với những bước đi chiến lược tại các thị trường tiềm năng, những tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, CEO Group… có nhiều đóng góp cho ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, với khát vọng nâng tầm du lịch Việt trên bản đồ du lịch thế giới.
Đồng quan điểm của PGS. TSKH. Võ Đại Lược nêu trên, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia chia sẻ, nhu cầu nội địa của Việt Nam ngày càng lớn, đặc biệt với một quốc gia mới phát triển như nước ta thì tốc độ tăng của doanh nghiệp vừa và tầng lớp trung lưu là nhanh nhất.
Phân khúc du lịch nghỉ dưỡng cần rất coi trọng nhu cầu nội địa, mà con số này ngày càng tăng. Nhìn nhận một cách thực tế, các khu nghỉ dưỡng hiện đại của Việt Nam hiện nay cũng đang còn ở tầm thấp so với du lịch thế giới.
Về tầm vóc các khu nghỉ dưỡng hiện đại Việt Nam, ví dụ như Phú Quốc, nơi được khách châu Âu yêu thích nhất nhất là những khu nghỉ dưỡng được thiết kế gần với thiên nhiên, các chất liệu có thể hoàn toàn bằng tranh tre, lứa lá, gần gũi với thiên nhiên.
Người châu Âu thích trải nghiệm, chiêm nghiệm văn hóa ở một vùng miền, họ rất văn minh trong việc thưởng thức, nghỉ dưỡng. Vì vậy chúng ta không chỉ quan tâm đến việc đầu tư các khu du lịch đẳng cấp mà còn cần quan tâm đến yếu tố bản sắc văn hóa, vùng miền. Đặc biệt trong việc phát triển bất động sản, hy vọng rằng trong tương lai sẽ có cơ hội lớn để đầu tư phát triển.