"Không có lý do gì để mua bitcoin vào lúc này"
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với CNBC, ông Scott Minerd, Chủ tịch Guggenheim Investments nhận định đồng tiền điện tử lớn nhất hành tinh có thể sắp lao xuống đáy, chạm mức 10.000 USD và do đó không có lý do gì để các nhà đầu tư đổ tiền vào bitcoin lúc này.
“Khi chúng ta nhìn lại lịch sử tiền điện tử và so sánh với hoàn cảnh hiện tại, tôi thực sự tin rằng đây có thể là một cú giảm xuống đáy. Nghĩa là (giá bitcoin) có thể giảm 70-80%, xuống mức 10.000-15.000 USD” - ông Scott Minerd nhận định.
Giá bitcoin hiện đang giao dịch quanh mức khoảng 33.300 USD, thấp hơn khoảng 50% so với mức cao kỷ lục 64.000 USD mà nó đạt được chỉ ba tháng trước đó. Sự sụt giảm về giá được thúc đẩy bởi một loạt các yếu tố, bao gồm cả việc tăng cường quy định giám sát tiền điện tử của hàng loạt chính phủ từ Trung Quốc đến Vương quốc Anh hay rủi ro môi trường từ hoạt động khai thác, giao dịch bitcoin và sự hoài nghi của thị trường về giá trị thực của nó.
“Một đều rõ ràng, tôi sẽ không vội mua bitcoin. Tôi thấy không có lý do gì để mua bitcoin vào lúc này” - Chủ tịch Guggenheim Investments nói thêm. “Nếu bạn định đầu cơ bitcoin, hãy suy đoán rằng nó có thể rớt giá sâu hơn”.
Đáng chú ý, chỉ nửa năm trước, hồi tháng 12 năm ngoái, ông Minerd từng dự báo giá bitcoin có thể tăng vọt lên 400.000 USD. Nhưng vào tháng 5, nhà đầu tư kỳ cựu này nhanh chóng thay đổi quan điểm trước hàng loạt diễn biến bất lợi với bitcoin nói riêng và lo ngại bong bóng thị trường tiền điện tử nói chung. Ông so sánh thị trường tiền điện tử hiện tại với bong bóng giá củ hoa tulip hồi thế kỷ 17 - một trường hợp bong bóng giá điển hình được nhắc nhiều trong kinh tế học.
Hồi cuối tháng 6, ông Minerd cũng từng dự báo thị trường điện tử có thể chìm sâu hơn khi giá bitcoin có xu hướng tiếp tục giảm nhanh. Ông dự báo bitcoin có thể sắp giảm xuống mức 20.000 USD.
Một nhà phân tích đầu tư nổi tiếng khác - Jim Cramer của CNBC hồi cuối tháng 6 cũng cho hay ông đã bán gần như toàn bộ bitcoin đang nắm giữ. Ông Cramer bày tỏ mối lo ngại khi chính quyền Trung Quốc đóng cửa nhiều mỏ đào bitcoin ở tỉnh Tứ Xuyên và Nội Mông, qua đó làm ngừng hoạt động 90% công suất khai thác bitcoin trên toàn quốc. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBoC cũng vào cuộc khi yêu cầu các ngân hàng và tổ chức tài chính không cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền điện tử.
Động thái diễn ra ít ngày sau khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc lên tiếng tuyên bố cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm hạn chế, ngăn chặn rủi ro cá nhân lan rộng ra các lĩnh vực xã hội. Tuyên bố này đồng nghĩa một thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi đến những người ưa thích tiền ảo, rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chiến dịch đàn áp các giao dịch bitcoin và nhiều đồng tiền điện tử khác trong tương lai.
Hành động từ Trung Quốc rõ ràng đã khiến “các nhà đầu tư ngắn hạn hoảng sợ do rủi ro bất ổn” - nhận định của Jason Deane, nhà phân tích tại Quantum Economics.
Nhưng trái với quan ngại của ông Minerd, cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến lạc quan rằng điều kiện thị trường năm 2021 khác hoàn toàn những gì đã xảy ra vào năm 2018, khi bong bóng vỡ trên thị trường tiền điện tử.
Willy Woo, nhà phân tích và thống kê Blockchain nổi tiếng nhận định: “Chúng ta đang cách rất xa nguy cơ thị trường gấu, chỉ có các nhà giao dịch mới lo lắng về các chỉ số kỹ thuật được thấy trên các sàn giao dịch như khối lượng giao dịch và giá”.
Thị trường gấu được định nghĩa là thời kỳ mà lợi nhuận đầu tư không đạt mức kỳ vọng, chủ yếu là sự thua lỗ. Từ góc độ kỹ thuật, một thị trường đang đà xuống dốc với mức lao dốc từ 20% so với đỉnh thời đại được gọi là thị trường gấu.