300 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường tiền điện tử sau động thái của Trung Quốc: nguyên nhân do đâu?

22/06/2021 09:55 GMT+7
Những động thái mới của Trung Quốc nhằm siết chặt quản lý tiền điện tử đã xóa sạch 300 tỷ USD khỏi tổng vốn hóa thị trường tiền tệ kỹ thuật số kể từ hôm 19/6 đến nay, theo CNBC.

Tính đến sáng 22/6 (giờ Việt Nam), giá bitcoin giao dịch quanh ngưỡng 32.000 USD, giảm mạnh từ mức 39.000 USD ghi nhận hồi tuần trước.

Các loại tiền điện tử phổ biến khác như Ether và XRP cũng giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối ngày 21/6 trên thị trường Mỹ bên kia bán cầu.

Như vậy, giá bitcoin và hàng loạt đồng tiền kỹ thuật số đã không ngừng lao dốc kể từ hôm 19/6 đến nay, khi Trung Quốc tăng cường nỗ lực kiềm chế ngành công nghiệp khai thác tiền điện tử trong nước.

300 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường tiền điện tử sau động thái của Trung Quốc: nguyên nhân do đâu? - Ảnh 1.

300 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường tiền điện tử sau động thái của Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Trung Quốc đóng cửa hàng loạt mỏ khai thác bitcoin

Hôm 19/6, các nhà chức trách tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã yêu cầu một loạt công ty khai thác tiền điện tử đóng cửa hoạt động. Tứ Xuyên hiện là một trong những mỏ khai thác bitcoin lớn nhất Trung Quốc. Đến 20/6, tờ Thời báo Hoàn cầu, một cơ quan ngôn luận của Nhà nước Trung Quốc cho biết nhiều mỏ khai thác bitcoin ở Tứ Xuyên đã ngay lập tức bị đóng cửa.

Động thái ở Tứ Xuyên diễn ra chưa đầy 1 tháng sau khi nhiều khu vực tập trung hoạt động khai thác bitcoin khác ở Trung Quốc, chẳng hạn khu tự trị Nội Mông, cũng yêu cầu đóng cửa hoạt động khai thác tiền điện tử sau tuyên bố của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc về việc cần “trấn áp hành vi khai thác và giao dịch bitcoin” nhằm ngăn ngừa rủi ro lan sang các lĩnh vực xã hội. Từ lâu, các nhà chức trách Trung Quốc đã lo ngại về bản chất đầu cơ của tiền điện tử và rủi ro của chúng đối với sự ổn định của hệ thống tài chính. Những bình luận của Phó thủ tướng Lưu Hạc đã làm dấy lên lo ngại về động thái siết chặt quản lý với lĩnh vực tiền điện tử tại Trung Quốc.

Thời điểm đó, giá bitcoin đã trượt mạnh sau phát ngôn của ông Lưu Hạc, kéo theo hàng loạt các đồng tiền điện tử khác chìm trong sắc đỏ trong một tuần lễ đầy biến động.

PBoC chặn cung cấp các dịch vụ thanh toán, giao dịch liên quan đến tiền điện tử

Chưa dừng lại ở việc đóng cửa các mỏ đào bitcoin, hôm 21/6, chính phủ Trung Quốc tiếp tục có động thái gây sức ép lên đồng tiền kỹ thuật số phổ biến nhất hành tinh này. Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC đã triệu tập một số tổ chức tài chính và nhà băng lớn, chẳng hạn Alipay (dịch vụ thanh toán di động do Ant Group trực thuộc Alibaba điều hành), Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc để thảo luận về việc không cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử.

Đây không phải là những quy định mới, nhưng những bình luận của PBoC cho thấy cách các cơ quan quản lý hàng đầu của Trung Quốc đang tăng cường giám sát và gây áp lực lên các tổ chức tài chính liên quan đến tiền điện tử.

Vào năm 2017, các nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa hàng loạt sàn giao dịch tiền điện tử địa phương, đồng thời cấm hoạt động ICO (phát hành coin lần đầu) - tức một hình thức huy động tiền cho các công ty tiền điện tử bằng cách phát hành mã thông báo kỹ thuật số.

Vào thời điểm tháng 11/2015, khoảng 92% giao dịch bitcoin được thực hiện bằng đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, theo dữ liệu từ CryptoCompare, một công ty dữ liệu tiền điện tử. Tròn 2 năm sau đó, tháng 11/2017, đồng Nhân dân tệ chỉ chiếm 0,07% tổng giao dịch trên thị trường bitcoin. Nguyên nhân một phần lớn đến từ hoạt động siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng Trung Quốc buộc các sàn giao dịch tiền điện tử trong nước phải chuyển ra nước ngoài. Tuy nhiên, những lệnh hạn chế này không ngăn cản được thương nhân Trung Quốc mua bán tiền điện tử. 

Các nhà giao dịch Trung Quốc sẽ phải chuyển đồng Nhân dân tệ của họ sang một nền tảng khác để mua tiền điện tử, chẳng hạn thông qua dịch vụ thanh toán như Alipay hoặc tài khoản ngân hàng. Vì vậy, tuyên bố mới nhất của PBoC đối với các tổ chức tài chính có thể là nỗ lực dập tắt triệt để hơn nữa những cách thức giao dịch tiền điện tử trong nước.


NTTD
Cùng chuyên mục