Hà Nội: Không giám sát thường xuyên quỹ nhà chuyên dùng dẫn đến nhiều vi phạm

23/07/2023 17:05 GMT+7
Qua kiểm tra rà soát của Sở Xây dựng Hà Nội, việc quản lý Nhà nước đối với quỹ nhà chuyên dùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài. Trong đó, nhiều trường hợp sai phạm phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội còn gần 840 địa điểm nhà thuộc sở hữu Nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, trụ sở làm việc và các mục đích khác không phải để ở (gọi là quỹ nhà chuyên dùng). Quỹ nhà này chủ yếu được xác lập khi thực hiện chính sách cải tạo nhà cửa của Nhà nước những năm 1960, một phần quỹ nhà được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. 

Trong đó, tổng diện tích nhà chuyên dùng là 178.148 m2, diện tích đất 155.156 m2, hiện nay có 801 địa điểm (803 hợp đồng) tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý cho thuê; các địa điểm còn lại do UBND quận Hà Đông, UBND thị xã Sơn Tây và Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Dịch vụ nhà Hà Nội quản lý, sử dụng cho thuê.

Đặc biệt, việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng quỹ nhà chuyên dùng không được duy trì thường xuyên dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm (cho thuê lại, liên doanh liên kết, chuyển ở, cải tạo lại, cơi nới, xây dựng thêm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận); một số tranh chấp, vướng mắc về diện tích. Trong khi đó, đơn vị quản lý, vận hành chưa có biện pháp chấn chỉnh, chưa kịp thời báo cáo để xử lý theo quy định. Việc theo dõi, ghi số các địa điểm nhà, đất đã ký hợp đồng thuê nhà, các địa điểm chưa ký hợp đồng thuê nhà chuyên dùng chưa đảm bảo đầy đủ, không cập nhật kịp thời biến động; việc thiết lập, bổ sung hoàn thiện hồ sơ đối với từng địa điểm nhà thuê chậm nên nhiều điểm chưa có hồ sơ.

Hà Nội: Không giám sát thường xuyên quỹ nhà chuyên dùng dẫn đến nhiều vi phạm  - Ảnh 1.

Nhiều nhà chuyên dùng tại Hà Nội vi phạm phải thu hồi (Ảnh: TN)

Thực tế, việc cải tạo, sửa chữa quỹ nhà chuyên dùng đa phần do người sử dụng tự cải tạo sửa chữa cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. Nhiều điểm nhà trong tình trạng xuống cấp chưa được lập kế hoạch và thực hiện cải tạo, sửa chữa. Cơ chế quản lý, sử dụng diện tích nhà tăng thêm sau cải tạo, sửa chữa chưa có cơ chế xử lý (đặc biệt chi phí này đã được ghi nhận, xác định vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc các trường hợp đơn vị thuê đã phá dỡ nhà thuê cũ và xây dựng mới nhà).

Bên cạnh đó, việc ký hợp đồng cho thuê nhà, thu tiền cho thuê nhà, đất của quỹ nhà chuyên dùng đạt hiệu quả thấp, nợ đọng nghĩa vụ tài chính của các đơn vị còn nhiều, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; hầu hết các hợp đồng thuê nhà, đất đã hết hạn; chậm triển khai trong việc giải quyết quỹ nhà chuyên dùng hiện đang trống…

Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết, thành phố kiên quyết chấn chỉnh, xử lý kịp thời những cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng sai mục đích, vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công. Khắc phục triệt để tình trạng nhà chuyên dùng không được theo dõi, quản lý; sử dụng không đúng mục đích, không để lãng phí, sai phạm, lấn chiếm, chuyển đổi, sử dụng sai mục đích hoặc để hoang hóa.

Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành và đơn vị liên quan thực hiện khẩn trương, đồng bộ các giải pháp giải quyết dứt điểm việc kê khai hồ sơ nhà đất, kiểm tra hiện trạng, phương án đề xuất, phê duyệt phương án và kiểm tra thực tế quản lý, sử dụng nhà đất sau khi phương án sắp xếp được phê duyệt. Các đơn vị liên quan phải rà soát toàn bộ cơ sở nhà, đất được giao quản lý và tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu có). Đối với các cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý bảo đảm đúng hình thức, thời hạn, thủ tục.

Trường hợp chưa thực hiện báo cáo kê khai đối với các cơ sở nhà, đất đang quản lý, sử dụng và thuộc phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ cần khẩn trương chỉ đạo rà soát, kê khai, báo cáo, hoàn thiện phương án sắp xếp lại, xử lý toàn bộ cơ sở nhà, đất quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành, gửi Sở Tài chính Hà Nội trước ngày 20/9/2023 để chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu báo cáo thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng yêu cầu các cơ quan chức năng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà chuyên dùng trên địa bàn, đặc biệt là việc kiểm tra hiện trạng sử dụng. Ngoài ra, tham mưu thành phố có ý kiến về phương án xử lý nhà chuyên dùng quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền của địa phương theo phân cấp của Chính phủ và quy định của pháp luật, bảo đảm thời hạn quy định.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục