Kim ngạch xuất khẩu thực phẩm, đồ uống từ Anh vào EU giảm gần một nửa sau Brexit

20/06/2021 17:09 GMT+7
Kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và đồ uống từ Vương quốc Anh vào thị trường Liên minh châu Âu (EU) đã giảm gần 50% trong 3 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm ngoái hậu Brexit.

Số liệu do Liên đoàn Thực phẩm và Đồ uống (FDF) cuối tuần qua cho thấy doanh số bán hàng mặt hàng thực phẩm và đồ uống từ Anh sang EU trong quý đầu tiên năm 2021 đã giảm mạnh 47% sau khi Anh chính thức rút khỏi EU trong một thỏa thuận thương mại hậu Brexit.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thực phẩm và đồ uống vào EU của Anh chỉ đạt 1,7 tỷ bảng Anh (2,3 tỷ USD) trong 3 tháng đầu năm 2021, giảm mạnh từ mức 3,1 tỷ bảng Anh (4,3 tỷ USD) cùng kỳ năm ngoái. 

Nếu tính so với thời kỳ 2 năm trước, năm 2019, tức thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mức giảm thậm chí còn mạnh hơn, lên tới 55% (từ 3,7 tỷ bảng Anh xuống 1,7 tỷ bảng Anh).

“Việc mất hai tỷ bảng Anh kim ngạch hàng xuất khẩu sang EU là một thảm họa đối với ngành công nghiệp của chúng tôi và là một dấu hiệu rất rõ ràng về quy mô tổn thất mà các nhà sản xuất Anh phải đối mặt trong dài hạn do các rào cản thương mại mới với EU” - trích lời ông Dominic Goudie, nhà lãnh đạo Liên đoàn thương mại quốc tế Anh quốc.

Ông này cũng viện dẫn đại dịch Covid-19 như một phần nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu sang EU giảm mạnh.

Các nhà xuất khẩu sản phẩm kem và sữa sang EU là đối tượng gánh chịu thiệt hại lớn nhất.

Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng sữa và kem sang EU đã giảm hơn 90% trong khi xuất khẩu pho mát giảm hơn 66%. 

Kim ngạch xuất khẩu thực phẩm, đồ uống từ Anh vào EU giảm gần một nửa sau Brexit - Ảnh 1.

Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang EU giảm mạnh nhất trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm 2019

John Whitehead, Giám đốc Hiệp hội các nhà xuất khẩu thực phẩm và đồ uống của Anh cho hay mức lao dốc như vậy một phần là do nhiều nhà nhập khẩu EU đã tiến hành dự trữ hàng hóa Anh trước thời điểm Brexit do lo ngại những bất ổn và thách thức khi Anh rời khỏi khối thương mại - thuế quan chung của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, ông này nhấn mạnh một nguyên nhân quan trọng khác khiến kim ngạch xuất khẩu sụt giảm là do “kết quả trực tiếp từ bộ máy thủ tục quan liêu sau Brexit, sự chậm trễ của thủ tục hải quan và chi phí thông quan sang EU tăng lên”.

Doanh số bán nước giải khát, cá và khoai tây giảm lần lượt 70,5%, 68% và 63%.

Kim ngạch xuất khẩu sang một số nước thành viên EU cũng giảm mạnh.

Trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thực phẩm và đồ uống từ Anh sang Ireland giảm mạnh gần 71%. Kim ngạch xuất khẩu sang Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Ý cũng giảm hơn một nửa.

Lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, vương quốc Anh xuất khẩu thực phẩm và đồ uống sang các nước ngoài khối EU nhiều hơn là các nước trong khối. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu cho các nước ngoài EU chiếm 55% tổng lượng hàng thực phẩm và đồ uống xuất khẩu, tăng mạnh so với mức dưới 40% một năm trước đó.

Mặc dù doanh số xuất khẩu sang các quốc gia ngoài EU chỉ tăng tổng cộng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, một số thị trường đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Ví dụ, doanh số bán hàng sang Trung Quốc tăng 28%, doanh số xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 19%.

Sau nhiều tháng tranh cãi, Anh và EU đã thông qua thỏa thuận mang tính chất lịch sử về an ninh và thương mại vào cuối tháng 12 năm ngoái, chỉ một tuần trước khi giai đoạn chuyển tiếp của quá trình Brexit chấm dứt.

Kết thúc quá trình đàm phán kéo dài nhiều tháng, thỏa thuận hậu Brexit cho phép hai bên tiếp tục quan hệ thương mại phi thuế quan khi nước Anh chính thức ly khai thị trường chung EU vào ngày 31/12 tới đây. Ngoài ra, hai bên cũng sẽ tiếp tục sự hợp tác chặt chẽ giữa lực lượng tư pháp và cảnh sát để gìn giữ trật tự chung. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc điện đàm ngay trước thềm Giáng sinh giữa Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. Đây cũng là cuộc gọi thứ năm trong ngày giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu EU.

Bản thỏa thuận Brexit hoàn chỉnh dài tới gần 2.000 trang, trong đó quy định nhiều điều khoản khác nhau trên nhiều lĩnh vực, từ hợp tác hạt nhân đến năng lượng, hàng không… Thời điểm đó, văn phòng Thủ tướng Anh khẳng định: “Thỏa thuận đã hoàn tất. Những gì chính phủ cam kết với người dân Anh hồi năm 2016 đã trở thành hiện thực trong thỏa thuận này… Chúng ta đã giành lại quyền kiểm soát dòng tiền, biên giới, thương mại, luật pháp và cả vùng biển đánh bắt của chúng ta. Thỏa thuận này là tin tốt lành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trên toàn đất nước. Chúng ta đã thành công đạt được hiệp định thương mại quan trọng đầu tiên với mức thuế bằng 0 và hạn ngạch bằng 0”.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, thực tế không thể tránh khỏi là Anh đang bắt đầu đối diện với những hệ lụy khi rời khỏi lãnh thổ quản lý của khối. 

Một khảo sát của IHS Markit được công bố đầu năm nay, ngay sau khi Anh chính thức ly khai EU với thỏa thuận an ninh và thương mại, chỉ ra rằng Brexit đang làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái ở Anh hậu đại dịch. Theo IHS, trong khi 33% các nhà sản xuất báo cáo sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu có liên quan trực tiếp đến đại dịch, thì khoảng 60% cho biết mức sụt giảm này là do Brexit.


NTTD
Cùng chuyên mục