Kinh tế toàn cầu phục hồi đẩy S&P 500 leo dốc 8% năm 2020, chiến lược gia JP Morgan dự đoán

10/12/2019 10:53 GMT+7
Một chiến lược gia từ ngân hàng J.P.Morgan mới đây nhận định chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục xác lập những mức đỉnh kỷ lục mới trong năm 2020 khi kinh tế toàn cầu bắt đầu chứng kiến những dấu hiệu phục hồi.
Kinh tế toàn cầu phục hồi đẩy S&P 500 leo dốc 8% năm 2020, chiến lược gia JP Morgan dự đoán - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục bùng nổ trong năm 2020?

Dubravko Lakos-Bujas, chiến lược gia trưởng của J.P.Morgan mới đây đã ước tính mức mục tiêu cho chỉ số S&P 500 trong năm 2020 đạt khoảng 3.400, tức tăng 8% so với mức đỉnh hiện tại. Nhận định của Dubravko Lakos-Bujas dựa trên nền tảng lạc quan về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh phái đoàn đàm phán hai nước đang nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận. So với các chiến lược gia phố Wall khác, những người dự đoán mức tăng của S&P 500 ở khoảng 5%, Dubravko Lakos-Bujas là một trong số những nhà nhận định lạc quan bậc nhất cho tới thời điểm hiện tại.

“Chu kỳ kinh doanh sẽ được tiếp thêm động lực mạnh mẽ vào năm 2020, khiến thị trường chứng khoán Mỹ leo dốc vượt ngoài kỳ vọng. Chúng tôi hy vọng rằng sự chuyển đổi từ động lực thành giá trị sẽ tiếp tục khi chu kỳ kinh doanh toàn cầu chứng kiến sự phục hồi và tăng tốc trở lại” - ông Dubravko Lakos-Bujas cho hay.

Vị chiến lược gia cũng kỳ vọng rằng sự phần lớn sự tăng giá trên thị trường cổ phiếu sẽ đến trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. 

Chỉ còn 3 tuần cuối cùng trước khi năm 2019 khép lại. Tính từ đầu năm đến nay, S&P 500 đã tăng 25% bất chấp tình hình bất ổn thương mại, nguy cơ thương chiến Mỹ Trung leo thang trở lại và hàng loạt rủi ro khác như luận tội Tổng thống, doanh thu doanh nghiệp chững lại. Sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường được tiếp thêm động lực bởi 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm của Cục Dự trữ Liên bang và loạt dữ liệu đầy triển vọng của kinh tế Mỹ từ chi tiêu tiêu dùng cho đến tỷ lệ thất nghiệp. 

“Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa lỏng lẻo trên toàn cầu hiện nay rồi sẽ phát huy hiệu ứng tích cực trong nền kinh tế các quý tới đây. Tâm lý thị trường dần ổn định trở lại giúp bình thường hóa hoạt động đầu tư vốn đang đình trệ vì quan ngại thương chiến Mỹ Trung, khủng hoảng Brexit và nhiều rủi ro địa chính trị khác” - ông Dubravko Lakos-Bujas cho hay. 

Dù không quá lạc quan về một thỏa thuận thương mại trong năm 2019, chiến lược gia Dubravko Lakos-Bujas dự đoán thỏa thuận Mỹ Trung sẽ đến trước cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 khi mà cả Washington và Bắc Kinh đều cần một bước xuống thang vì những động cơ chính trị và thương mại khác nhau. Trong khi Trump cần thỏa thuận có lợi cho Mỹ để trải thảm con đường tái tranh cử Tổng thống, chủ tịch Tập Cận Bình cũng mong muốn chấm dứt cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm đang làm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lao đao. 

Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý III/2019 đã rơi xuống mức 6% thấp nhất trong hơn 27 năm qua, trong khi kim ngạch xuất khẩu vẫn kéo dài chuỗi giảm. Thêm vào đó, lạm phát tiêu dùng tăng phi mã do ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi cũng giáng những đòn nặng nề vào cơ cấu kinh tế trong nước. Cõng gánh nặng nợ công khổng lồ trên vai, chính quyền Bắc Kinh không thể làm gì hơn ngoài một chính sách tiền tệ thận trọng, trong khi Mỹ và nhiều Chính phủ khác trên thế giới đang thúc đẩy một đợt nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ để kích thích nền kinh tế.

Nhìn chung, theo ông Dubravko Lakos-Bujas, năm 2020 tiếp tục là một năm thắng lợi của chứng khoán Mỹ.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục