Lâm Đồng “đặt cược” vào cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc?

25/03/2021 13:57 GMT+7
UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo hình thức PPP. Trong đó, Lâm Đồng cam kết dành khoảng 4.500 tỷ đồng ngân sách địa phương, tương đương 22% tổng thu NSNN của tỉnh này cho cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Mong muốn qua 4 nhiệm kỳ của Lâm Đồng sắp thành hiện thực

Tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) – Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP). Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ ra ngay sau khi UBND tỉnh Lâm Đồng có tờ trình số 1302/TTr – UBND ngày 04/03/2021 đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Trước đó, hồi cuối tháng 2/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành lấy ý kiến các sở ban ngành, địa phương, TP Bảo Lộc đối với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư đường cao tốc đoạn Tân Phú – Bảo Lộc theo hình thức PPP.

Ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, UBND TP Bảo Lộc cho rằng, đường cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, trong đó có đoạn đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là động lực phát triển kinh tế cho 2 vùng kinh tế: Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, có vai trò lớn giúp kết nối giao thông vùng, tạo lợi thế phát triển cho ngành du lịch địa phương, thúc đẩy tam giác du lịch, trao đổi kinh tế với các thành phố lốn, kết nối giao thông thuận tiện với các tỉnh Đông Nam Bộ.

"Việc đầu tư đoạn Tân Phú – Bảo Lộc là bước đột phá lớn không chỉ về phát triển hạ tầng của tỉnh mà hứa hẹn tạo nên sự đột phá lớn về phát triển kinh tế cho tỉnh. Đây là dự án đặc biệt quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và tạo đà chuyển dịch kinh tế - xã hội rất lớn cho Nhân dân Lâm Đồng", UBND TP Bảo Lộc nêu ý kiến.

Ngoài ra, TP Bảo Lộc cho rằng, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đi vào hoạt động sẽ là đòn bẩy tăng trưởng GRDP cho các tỉnh khi việc giao dịch thương mại trở nên thuận tiện và nhanh chóng, thúc đẩy phát triển du lịch, nông nghiệp, công nghiệp…. Được biết, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ kết nối Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, đường tỉnh ĐT.725.

Lâm Đồng sẵn sàng "thắt lưng, buộc bụng"

Dự án đầu tư đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 67km, dự kiến phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư theo quy mô 4 làn xe nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h, thực hiện từ 2021 – 2025. Giai đoạn dự án sẽ tập trung hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22m.

Tổng mức vốn đầu tư cho giai đoạn 1  khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 4.500 tỷ đồng và ngân sách trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, phần còn lại là vốn của nhà đầu tư. Điều này đồng nghĩa, Lâm Đồng sẽ góp đến 69% phần vốn nhà nước. Đây là tỷ lệ góp vốn địa phương vào dự án hạ tầng giao thông triển khai theo hình thức PPP có hỗ trợ ngân sách nhà nước (NSNN) cao bậc nhất ở Việt Nam.

Lâm Đồng “đặt cược” vào cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc?  - Ảnh 1.

Tỉnh Lâm Đồng sẽ dành khoảng 4.500 tỷ đồng cho cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc

Báo cáo tình hình thực hiện dự toán NS tỉnh Lâm Đồng cho thấy, năm 2020, tổng thu NSNN đạt 9.424 tỷ đồng, tổng thu NSĐP đạt 19.699 tỷ đồng, trong đó thu được hưởng theo phân cấp là 8.588 tỷ đồng. Như vậy, 4.500 tỷ đồng ngân sách địa phương dành cho cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc tương đương 22% tổng thu ngân sách địa phương (NSĐP), hơn 52% thu NSĐP được hưởng theo phân cấp năm 2020 của tỉnh Lâm Đồng. Điều này cho thấy, tỉnh Lâm Đồng đã sẵn sàng "thắt lưng, buộc bụng" vì tương lai phát triển của tỉnh cũng như đặt cược vào sự thành công của dự án đầu tư cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc.

Bởi, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là đoạn khó nhất trong tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương. Và TP Bảo Lộc được xác định là đô thị hạt nhân phía Nam của Lâm Đồng, đóng vai trò là một trục tăng trưởng chính của tỉnh và trung tâm kết nối tỉnh với Đông Nam Bộ.

Trả lời báo giới, chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng hy vọng chậm nhất là đầu tháng 4/2021, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai các bước tiếp theo như lập báo cáo nghiên cứu khả thi, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.

Ước tính, các đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú, Tân Phú – Bảo Lộc hoàn thành sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đến Đà Lạt chỉ 3 giờ thay vì trên 6 giờ như hiện nay.

Thanh Giang
Cùng chuyên mục