Lạm phát gia tăng, xuất khẩu điều khó cán đích hơn 3 tỷ USD

24/08/2022 17:55 GMT+7
Lạm phát gia tăng ở Mỹ và EU khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, doanh nghiệp Việt thiếu đơn hàng, dự báo xuất khẩu điều của Việt Nam năm 2022 khó cán đích 3,2 tỷ USD.

Xuất khẩu hạt điều giảm mạnh...

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 7/2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt xấp xỉ 45,57 nghìn tấn, trị giá 267,48 triệu USD, giảm 1,9% về lượng và giảm 6,1% về trị giá so với tháng 6/2022, so với tháng 7/2021 giảm 16,4% về lượng và giảm 24% về trị giá. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 294,85 nghìn tấn, trị giá 1,77 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá: Tháng 7/2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.870 USD/tấn, giảm 4,3% so với tháng 6/2022 và giảm 9,1% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam đạt mức 5.995 USD/tấn, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Về thị trường: Tháng 7/2022 so với tháng 7/2021, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Tây Ban Nha. 

7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường giảm, như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Đức, Canada. Ngược lại, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường chủ lực tăng, gồm: Anh, Úc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Israel, Tây Ban Nha.

Lạm phát gia tăng, xuất khẩu điều khó cán đích hơn 3 tỷ USD - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan.

Lạm phát gia tăng, xuất khẩu điều khó cán đích hơn 3 tỷ USD - Ảnh 2.

Lạm phát gia tăng ở Mỹ và EU khiến nhu cầu tiêu thụ giảm, doanh nghiệp Việt thiếu đơn hàng, dự báo xuất khẩu điều của Việt Nam năm 2022 khó cán đích 3,2 tỷ USD.

Theo Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 6 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt điều đạt 80,1 nghìn tấn, trị giá 521 triệu USD, tăng 4,3% về lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam đạt trên 72 nghìn tấn, trị giá 465,92 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng 10,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ tăng từ 88,39% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 89,98% trong 6 tháng đầu năm 2022. Ngược lại, thị phần hạt điều của Brazil và Ấn Độ trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm, lần lượt từ 3,86% và 1,95% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 2,23% và 1,03% trong 6 tháng đầu năm 2021.

Còn ở thị trường Trung Quốc, theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu hạt điều của thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 141,58 triệu USD, tăng 133,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Trung Quốc, trị giá 124,9 triệu USD, tăng 146% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 83,79% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 88,22% trong 6 tháng đầu năm 2022. Bên cạnh đó, thị phần hạt điều của Myanmar trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 6,44%; Togo chiếm 3,34%; Bờ Biển Ngà chiếm 1,82% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Với thị trường Anh, theo số liệu thống kê từ ITC, tháng 6/2022, nhập khẩu hạt điều của Anh đạt 2,77 nghìn tấn, trị giá 15,61 triệu USD, tăng 66,2% về lượng và tăng 45,7% về trị giá so với tháng 5/2022; so với tháng 6/2021 tăng 17,7% về lượng và tăng 11,5% về trị giá. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, Anh nhập khẩu hạt điều đạt 11,47 nghìn tấn, trị giá 72,87 triệu USD, tăng 7,4% về lượng và tăng 11% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Diễn biến giá: Tháng 6/2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Anh đạt mức 5.640 USD/tấn, giảm 12,3% so với tháng 5/2022 và giảm 5,3% so với tháng 6/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Anh đạt mức 6.351 USD/tấn, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Anh tăng từ các thị trường Việt Nam, Hà Lan, Ấn Độ, nhưng giảm từ Bờ Biển Ngà, Ý.

Cơ cấu nguồn cung 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, Anh tăng nhập khẩu hạt điều từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Hà Lan. Số liệu từ ITC cho thấy: Nhập khẩu hạt điều của Anh từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 10,4 nghìn tấn, trị giá 64,61 triệu USD, tăng 39,7% về lượng và tăng 62% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Anh tăng từ 69,66% trong 6 tháng đầu năm 2021 lên 90,59% trong 6 tháng đầu năm 2022. 

Ngược lại, Anh giảm mạnh nhập khẩu hạt điều từ Hà Lan, giảm 79,8% về lượng và giảm 78,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021, đạt 341 tấn, trị giá 2,53 triệu USD. Thị phần hạt điều của Hà Lan trong tổng lượng nhập khẩu của Anh giảm mạnh từ 15,79% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống 2,98% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tập trung vào các thị trường "lõi", hạt điều mới có cơ thoát khó

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, ngành điều sẽ phải tìm hướng tập trung vào các thị trường "lõi" như liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc... để đẩy mạnh xuất khẩu. 

EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành.

Tăng trưởng xuất khẩu hạt điều sang EU đóng góp đáng kể vào mức tăng trưởng chung toàn ngành. Thuế suất đối với các sản phẩm chế biến từ hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam giảm về 0% ngay sau khi EVFTA 9Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Mức giảm này rất quan trọng vì trước khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan của mặt hàng hạt điều nhập khẩu vào EU từ Việt Nam dao động từ 7 - 12%. Việc EVFTA đi vào thực thi được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho ngành điều.

Tại khu vực EU, hạt điều Việt Nam được xuất khẩu sang nhiều nước Tây Âu và Đông Âu. Tại khu vực Tây Âu, hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu sang các nước: Đức, Hà Lan, Pháp, Bỉ… trong đó ngành điều đã khai thác tốt hai thị trường Hà Lan và Đức. Đức và Hà Lan hiện là những đầu mối thương mại quan trọng đối với hạt điều nhập khẩu để tái xuất.

Lạm phát gia tăng, xuất khẩu điều khó cán đích hơn 3 tỷ USD - Ảnh 3.

EU hiện là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ 2 của Việt Nam, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 23% tổng lượng và 22% tổng trị giá toàn ngành.

Đối với khu vực Đông Âu, hạt điều Việt Nam có mặt tại nhiều nước: Nga, Ba Lan, Rumani, Ukraine… Thời gian qua, do ảnh hưởng xung đột Nga – Ukraine nên xuất khẩu hạt điều của Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do căng thẳng thương mại, địa chính trị leo thang; giá cước vận tải ở mức cao tạo thêm khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, trước xu hướng đa dạng hóa nguồn cung cùng với những lợi thế từ các FTA (Hiệp định thương mại tự do), Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh, mở đường cho việc thiết lập chuỗi cung ứng mới với thị trường EU nói chung, thị trường Đông và Tây Âu nói riêng, thu hút làn sóng đầu tư chất lượng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chỉ đơn cử, theo số liệu thống kê từ ITC, tháng 4/2022, dù khó khăn, nhập khẩu hạt điều của Đức vẫn đạt 4,53 nghìn tấn, trị giá 32,79 triệu USD, tăng 4,8% về lượng và tăng 2,7% về trị giá so với tháng 3/2022, so với tháng 4/2021 giảm 8,1% về lượng và giảm 10,5% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, Đức nhập khẩu hạt điều đạt 18,53 nghìn tấn, trị giá 135,44 triệu USD, tăng 3,7% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức đạt mức 7.226 USD/tấn, giảm 2,0% so với tháng 3/2022 và giảm 2,6% so với tháng 4/2021. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức đạt mức 7.308 USD/tấn, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân hạt điều của Đức giảm từ Hondurat, Hà Lan, nhưng tăng từ Việt Nam, Bờ Biển Ngà và Indonesia.

Cơ cấu nguồn cung cho thấy, Đức vẫn tăng nhập khẩu hạt điều từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Hà Lan. Số liệu từ ITC cho thấy, nhập khẩu hạt điều của Đức từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt xấp xỉ 12,55 nghìn tấn, trị giá 91,37 triệu USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 12,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Đức tăng từ 62,7% trong 4 tháng đầu năm 2021 lên 67,71% trong 4 tháng đầu năm 2022. 

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực đến nay, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang thị trường châu Âu ghi nhận tăng trưởng khá ấn tượng.

Được biết, hiện xu hướng tiêu dùng thực phẩm của thị trường châu Âu chú trọng các yếu tố với sản phẩm như: Chú trọng sức khoẻ; sự tiện lợi và công nghệ; các protein thay thế (gốc thực vật); tính bền vững và giảm thiểu chất thải; tìm kiếm hương vị và trải nghiệm mới. Trong khi đó, hạt điều là một trong những sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, chỉ số đường huyết thấp có lợi cho sức khoẻ, đồng thời đây cũng là sản phẩm có nhiều hương vị, phù hợp với sở thích, được người tiêu dùng châu Âu ưa chuộng.

Với các FTA như EVFTA, FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA), hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thuế nhập khẩu hạt điều vào thị trường EU 27 nước và thị trường Vương quốc Anh đều bằng 0% là những yếu tố khá thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường dự báo khó khăn...

Năm 2022, Bộ NN&PTNT giao cho chỉ tiêu xuất khẩu cho ngành điều khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn bủa vây (chiến sự Nga-Ukraine, lạm phát ở Mỹ leo thang, EU cũng rơi vào khủng hoảng kinh tế), Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã kiến nghị điều chỉnh hạ mục tiêu giá trị xuất khẩu cả năm xuống 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021. Kết thúc 7 tháng đầu năm, ngành điều mới hoàn thành được 53% kế hoạch xuất khẩu năm 2022. Xuất khẩu điều năm 2022 dự báo thậm chí khó đạt đến con số 3,2 tỷ USD.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục