Lần đầu tiên trong 3 thập kỷ, Trung Quốc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Trong một báo cáo được trình bày hôm 22/5 trước khi khai mạc phiên họp Quốc hội Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết chính phủ dự báo thâm hụt ngân sách năm 2020 tăng vọt lên 3,6% GDP từ mức 2,8% GDP năm 2019. Ông cũng dự kiến kế hoạch phát hành thêm 1 nghìn tỷ NDT (141 tỷ USD) trái phiếu để kích thích kinh tế, duy trì sự phát triển và ổn định xã hội để vực dậy đất nước sau đại dịch Covid-19.
Đây là lần đầu tiên trong 3 thập kỷ, vị Thủ tướng không đề cập đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm. Phiên họp Quốc hội Trung Quốc diễn ra từ ngày 22/5 sau hơn 2 tháng trì hoãn vì cuộc khủng hoảng đại dịch.
Việc từ bỏ mục tiêu tăng trưởng hàng năm được nhận định là sự ngầm thừa nhận của các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng họ không thể đạt được mục tiêu dài hạn tăng gấp đôi quy mô GDP trong giai đoạn 10 năm 2010-2020 đã đề ra. Trước khi đại dịch bùng phát, Trung Quốc gần như đã chạm tay tới mục tiêu này, với tăng trưởng GDP dự kiến 6% trong năm 2020. Các nhà phân tích ước tính mức tăng trưởng GDP trên 5,6% trong năm 2020 là đủ để đạt mục tiêu tăng GDP gấp đôi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra. Năm 2019, tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 6,1%, mức thấp nhất trong gần 30 năm.
Trong quý I/2020, Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng GDP -6,8% do sự bùng phát đại dịch khiến chính quyền Bắc Kinh buộc phải phong tỏa phần lớn tỉnh thành trên toàn quốc, khiến 85% nền kinh tế đóng băng trong nhiều tuần liền.
Ngay cả khi các địa phương dần dỡ bỏ lệnh phong tỏa từ tháng 3, tăng trưởng kinh tế vẫn bị kìm hãm khi chính phủ tập trung ưu tiên hỗ trợ thị trường lao động và bảo vệ chuỗi cung ứng công nghiệp. Bắc Kinh báo cáo tỷ lệ thất nghiệp khoảng 5,7% trong tháng 3, nhưng các nhà phân tích dự báo con số thất nghiệp thực tế có thể lên tới 80 triệu người do số liệu thống kê chưa tính đến lao động nhập cư, lao động tại các vùng nông thôn xa xôi.
Một phần nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm hồi phục là cú sốc cầu trên thế giới, khi nhiều thị trường lớn của Trung Quốc là Mỹ, Châu Âu đang quằn quại đối phó với đại dịch Covid-19. Cho đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ vẫn đang tăng lên trong khi các nước Châu Âu thận trọng trong việc khôi phục hoạt động kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trên toàn cầu cũng là nguyên nhân khiến chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh, gây nên cú sốc cầu quy mô lớn. Được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, dự kiến nền kinh tế của Trung Quốc sẽ phục hồi chậm chạp do chịu ảnh hưởng từ nền kinh tế toàn cầu.
Khoảng 3.000 đại biểu từ khắp đất nước hiện đang có mặt tại Bắc Kinh trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc kéo dài 7 ngày. Kỳ họp nhằm mục tiêu xem xét các dự luật lập pháp, các biện pháp kích thích kinh tế và phân bổ ngân sách quốc gia sau cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Dự kiến, kỳ họp cũng đưa ra quyết định về việc có nên hay không nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh hiện tại.