Lãnh đạo Trung Quốc bất đồng ý kiến việc cho dân bán hàng rong sau dịch

11/06/2020 16:02 GMT+7
Trong nhiều năm qua, chính sách “đàn áp”, dẹp bỏ các quầy hàng hè phố được Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh như một phần nỗ lực duy trì an ninh và mỹ quan đô thị. Và phát biểu mới nhất của Thủ tướng Lý Khắc Cường rõ ràng là một sự đảo ngược chính sách gây tranh cãi.
Lãnh đạo Trung Quốc bất đồng ý kiến việc cho dân bán hàng rong sau dịch - Ảnh 1.

Lãnh đạo Trung Quốc bất đồng ý kiến việc cho dân bán hàng rong sau dịch

Hai trong số những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là CEO Huawei Nhậm Chính Phi và người sáng lập Alibaba Jack Ma đã từng bán hàng trên đường phố trước khi thành lập những tập đoàn công nghệ lớn bậc nhất Trung Quốc như hiện tại. Trong những thập niên 80, 90 của thế kỷ XX tại Trung Quốc, các quầy hàng trên đường phố là tín hiệu đầu tiên phản ánh nền kinh tế thị trường bắt đầu nổi lên ở một đất nước mà các công ty nhà nước chiếm phần lớn sự chi phối.

Một thời gian dài sau đó, khi các thành phố lớn của Trung Quốc thực hiện đồng bộ hóa cảnh quan đô thị, các địa phương đã thành lập đội Cheng Quan (đội cảnh sát trật tự cảnh quan) nhằm kiểm soát, cấm các quầy hàng rong, quầy hàng hè phố hoạt động gây mất mỹ quan. Cho đến khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 thổi bay hàng chục triệu việc làm trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc có hay không cấm bán hàng hè phố trở thành chủ đề trong cuộc tranh luận sôi nổi của giới lãnh đạo Bắc Kinh.

Hôm 1/6, Thủ tướng Lý Khắc Cường trong chuyến thăm Yên Đài (Sơn Đông) đã khuyến khích các gian hàng đường phố là nguồn cung việc làm quan trọng, đóng vai trò lớn trong sức sống của nền kinh tế Trung Quốc. Sự bùng phát đại dịch đã khiến các công ty cắt giảm hoặc ngừng tuyển mới nhân sự. Một ước tính cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc có thể lên tới 20% nếu tính cả lao động nông thôn và lao động nhập cư. Làm thế nào để đưa nền kinh tế Trung Quốc thoát cuộc khủng hoảng việc làm như vậy? Theo ông Lý Khắc Cường, các quầy hàng rong, cửa hàng nhỏ trên hè phố là giải pháp tạo công ăn việc làm cho người dân nhanh chóng và hữu hiệu nhất.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng phương thức kinh doanh đường phố tại Trung Quốc ngày nay đã không còn giống như quá khứ. Thay vì bán các mặt hàng fake giá rẻ, chủ các quầy hàng đường phố ngày nay tận dụng nhiều công nghệ trong việc tăng doanh thu và thanh toán. Người mua hàng có thể đặt hàng và thanh toán qua mã hiển thị QR Code, điều này khiến cho việc giải quyết các khiếu nại phát sinh trở nên dễ dàng hơn. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay nếu người dân làm việc chăm chỉ, các mô hình bán hàng đường phố sẽ tồn tại và phát triển mạnh mẽ hơn. Khi đó, chính phủ sẽ tạo thêm không gian để lĩnh vực kinh doanh này sinh sôi.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với giải pháp này. Trong nhiều năm qua, chính sách “đàn áp”, dẹp bỏ các quầy hàng hè phố được Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh như một phần nỗ lực duy trì an ninh và mỹ quan đô thị. Và phát biểu mới nhất của Thủ tướng Lý Khắc Cường rõ ràng là một sự đảo ngược chính sách gây tranh cãi.

Nhật báo Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đây đã đăng một bài bình luận công kích sự khuyến khích “nền kinh tế hàng rong” của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Ý kiến này cho rằng Bắc Kinh không phải nơi thích hợp cho những quầy hàng đường phố, bởi nó là thủ đô của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là trái tim của một đất nước đang cạnh tranh trực tiếp với Mỹ và tìm cách vượt mặt Mỹ.

Các thông điệp mâu thuẫn đang khiến nhiều chính quyền địa phương bối rối. Tại Đại Liên, thành phố cảng nằm ở tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), lệnh cấm các quầy hàng chợ đêm đã được dỡ bỏ chỉ 1 ngày sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường khuyến khích nền kinh tế hàng rong. Nhưng chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, chính quyền địa phương đã thu hồi quyết định này.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, sự đồng tình có vẻ nghiêng hơn về Thủ tướng Lý Khắc Cường. “Bất kỳ ai biết những gì đang xảy ra trên thực tế đều sẽ ủng hộ chính sách của Thủ tướng” - một dân mạng viết.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục