Lazada nhảy vào thị trường ví điện tử Việt Nam

07/10/2019 09:50 GMT+7
Giám đốc vận hành Lazada Việt Nam Kaya Qin cho biết, dịch vụ ví điện tử Lazada sẽ được kích hoạt vào đúng sự kiện mua sắm lớn nhất trong năm của sàn này vào ngày 11/11 tới.

Theo bà Qin Lazada Việt Nam, dự án ví điện tử nằm trong chiến lược nâng cao trải nghiệm mua sắm trực tuyến cho người dùng; bao gồm tập trung đầu tư vào công nghệ, logistics… và cuối cùng là kế hoạch hợp tác với các ngân hàng, các đơn vị phát hành thẻ để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, nâng cao tính an toàn cho các giao dịch mua sắm.

Trong đó, đối với việc mở rộng hình thức thanh toán, Lazada đang xây dựng mối quan hệ đối tác với nhiều nhà phát hành thẻ như Mastercard, JCB và các ngân hàng trong - ngoài nước để thúc đẩy các giao dịch không dùng tiền mặt.

Lazada nhảy vào thị trường ví điện tử Việt Nam - Ảnh 1.

Lazada sẽ kích hoạt dịch vụ ví điện tử vào 11/11 tới.

Bằng cách sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán, người dùng có thể chọn lưu thông tin trong một ứng dụng được mã hóa và có tính bảo mật cao, không cần nhập chi tiết thanh toán mỗi lần mua sắm. Đồng thời với thanh toán điện tử, quá trình kiểm tra và xác nhận đơn hàng cũng đơn giản và nhanh chóng hơn.

Lazada kỳ vọng sẽ tăng lượng đơn hàng giao dịch không tiền mặt, hướng tới mục tiêu tăng tính an toàn và đơn giản hóa quy trình giao nhận từ phía các dịch vụ logistics, cũng như từ phía người tiêu dùng. Nhân viên giao hàng sẽ không cần phải mang theo tiền mặt, và khách hàng sẽ không cần phải chuẩn bị chính xác số tiền như đơn đặt hàng.

Tuy chưa giải thích nhiều về mô hình hoạt động của ví điện tử Lazada nhưng bà Quin cho biết, ví điện tử Lazada phát triển trên nền tảng độc lập với phương thức thanh toán với ứng dụng thanh toán Alipay, vốn đã hiện diện ở VN thuộc Tập đoàn Alibaba, cũng là công ty mẹ của Lazada.

Kế hoạch trong tương lai, đại diện Lazada cho biết sẽ tìm kiếm đối tác thứ ba điều hành ví điện tử.

Tại Đông Nam Á, Lazada đã có mặt ở 6 quốc gia và cũng đã triển khai mô hình thanh toán qua ví điện tử một số thị trường. Tháng 4/2018, Lazada Malaysia đã ra mắt ví điện tử Lazada cho phép người sử dụng thực hiện các khoản thanh toán bằng một cú nhấp chuột.

Trở lại với chiến lược thúc đẩy doanh số của hãng, Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường trọng điểm của Lazada tại khu vực với tốc độ tăng trưởng vượt trội của nền kinh tế kỹ thuật số, dự kiến đạt 15 tỷ USD vào năm 2025.

Lazada nhảy vào thị trường ví điện tử Việt Nam - Ảnh 2.

Một số tên tuổi lớn của thị trường ví điện tử Việt Nam.

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến, thống kê bởi Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) dẫn chứng Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm.

Điều này lý giải cho sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình thương mại điện tử. Trong đó, sân chơi ví điện tử sôi động hơn cả thời gian gần đây, với chức năng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam, nhiều tên tuổi trong và ngoài nước đang cạnh tranh khốc liệt như AirPay, Moca, Payoo, WePay (VCCorp), Zalo Pay (VNG), ViettelPay (Viettel)… Đầu năm 2019, thị trường đón nhận thêm MoMo với mức tăng trưởng tương đối ấn tượng.

Chúng ta không biết được chính xác các hãng đã tiêu bao nhiêu cho cuộc đua ví điện tử, song trong giai đoạn sơ khai của xu hướng thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam, đây thực sự là cuộc đua "đốt tiền" và trường vốn.

Theo quy định của Việt Nam hiện nay, thủ tục thành lập thành lập công ty kinh doanh ví điện tử có vốn đầu tư nước ngoài yêu cầu nhiều bước. Trong đó, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng.

Công ty phải có phương án kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán được phê duyệt theo đúng quy định về thẩm quyền đầu tư tại điều lệ hoạt động của tổ chức. Tối thiểu phải có các nội dung: quy trình nghiệp vụ kỹ thuật của dịch vụ đề nghị cấp phép; cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; quản lý rủi ro, đảm bảo an toàn, bảo mật….; có vốn điều lệ tối thiểu là 50 tỉ đồng; người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức xin phép phải có trình độ chuyên môn hoặc kinh nghiệm thực tế trong quản trị kinh doanh hoặc lĩnh vực phụ trách...

AN Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục