Liên thông vé xe buýt với tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ đem lại những gì?
Đề xuất liên thông vé xe buýt, tàu Cát Linh - Hà Đông
Sau gần 2 năm vận hành khai thác, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã đạt đem lại nhiều lợi ích và hiệu quả trong việc đi lại của người dân. Mỗi ngày có trên 3 vạn hành khách đi lại trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông trong đó 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là đi lại với mục đích khác.
Theo đó, hành khách thường xuyên đi bằng vé tháng với tỷ lệ bình quân trong ngày chiếm 70% đặc biệt khách đi lại bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm trên 85%. Điều này thực sự đã góp phần giảm thiểu mật độ phương tiện trên hành lang tuyến giờ cao điểm, từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và đồng bộ vé của các loại hình dịch vụ vận tải công cộng, TP.Hà Nội đang tiếp nhận đề xuất thí điểm thẻ vé liên thông để đi lại trên tàu điện, xe buýt nhanh, xe buýt thường của 3 đơn vị.
Các đơn vị đề xuất thí điểm gồm Liên minh ASIM-VPBANK, CTCP Công nghệ UNIT và CTCP Tập đoàn công nghệ Vietsens.
Đề xuất được thí điểm với mong muốn triển khai thẻ vé liên thông trên tuyến buýt nhanh BRT, 14 tuyến buýt thường với tàu Cát Linh - Hà Đông. Đơn vị cung cấp dịch vụ cam kết công nghệ vé, thẻ vé có khả năng tương thích với các tuyến đường sắt đô thị và tuyến buýt đang khai thác hiện nay.
Các đơn vị khẳng định lựa chọn tiêu chuẩn công nghệ vé, thẻ vé thông dụng nhất hiện nay, dễ dàng nâng cấp, chỉnh sửa, bổ sung chức năng theo yêu cầu phát sinh.
Hệ thống thí điểm có thể thiết lập giá vé linh hoạt, cập nhật số liệu báo cáo thường xuyên, công nghệ thu phí bằng thẻ và bằng tài khoản; Có thể tích hợp liên thông với hệ thống vé điện tử của buýt điện đang sử dụng và sẵn sàng liên thông với các tuyến đường sắt đô thị và các loại hình dịch vụ khác.
Khách đi xe buýt, tàu điện có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán như mua vé trực tiếp trên web, ứng dụng di động, hệ thống máy bán vé tự động chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt và các hình thức thanh toán điện tử thông dụng như thẻ thanh toán, tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế, ví VNPAY, Viettel pay.
Các đơn vị đề xuất thời gian thí điểm là 1 năm kể từ ngày được UBND TP chấp thuận để làm cơ sở tổng kết đánh giá kết quả thực hiện thí điểm (bao gồm cả thời gian chuẩn bị hạ tầng, lắp đặt thiết bị, tập huấn, đào tạo...).
Về nguồn vốn, toàn bộ 100% kinh phí triển khai thực hiện sẽ do các đơn vị đề xuất thí điểm tự thu xếp thực hiện.
Việc áp dụng thẻ vé liên thông cho các phương tiện giao thông công cộng tại Hà Nội đã được bàn thảo từ khá lâu.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, Hà Nội sẽ có thẻ vé liên thông các loại hình vận tải công cộng. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch được lùi lại sang năm 2020, 2021. Đến thời điểm này, kế hoạch vẫn chỉ ở trên giấy.
Vì thế, đề xuất thí điểm nói trên một lần nữa dấy lên hy vọng về một hệ thống thẻ vé hiện đại cho giao thông công cộng của Thủ đô.
Nói về liên thông vé xe buýt, tàu điện, Sở GTVT Hà Nội cho biết, cả 3 đơn vị nêu trên đều có kinh nghiệm trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán, cung cấp thẻ vé trong thực tiễn đối với các ngành, lĩnh vực khác nhau, hoàn toàn có thể đáp ứng được việc triển khai thí điểm.
Về lộ trình triển khai, trước mắt tập trung vào 15 tuyến (14 tuyến buýt thường, 1 tuyến BRT như đã được các đơn vị đề xuất) trong vòng 1 năm như đề xuất của các đơn vị và chia thành 2 giai đoạn.
Trong đó giai đoạn 1 đến hết năm 2023, sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện thí điểm để đưa ra các khuyến cáo làm cơ sở, nghiên cứu mở rộng thêm một số tuyến theo hình thức xã hội hóa hoặc tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị thực hiện nội dung này. Giai đoạn 2, khi kết thúc thí điểm đối với 15 tuyến sẽ có báo cáo tổng kết cuối cùng.
Thay đổi thói quen của người dân
Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã kiến nghị UBND TP chấp thuận cho Liên minh ASIM-VPBANK thí điểm với tuyến BRT và 3 tuyến buýt thường; Công ty CP Công nghệ UNIT - Napas thí điểm 1 tuyến buýt thường; Công ty CP Tập đoàn công nghệ Vietsens 10 tuyến buýt thường.
UBND TP.Hà Nội yêu cầu đơn vị thực hiện thí điểm phải chịu toàn bộ 100% kinh phí thí điểm và không bồi hoàn trong mọi trường hợp.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết: "Chúng tôi đang mong muốn xây dựng mạng lưới phương tiện công cộng kết nối liên thông đồng bộ với nhau để phát huy hiệu quả của các loại hình dịch vụ phương tiện công cộng".
"Kể từ khi đi vào hoạt động, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đem lại hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông và thay đổi thói quen của người dân sử dụng phương tiện công cộng thay vì xe cá nhân như trước đây", ông Trường nêu.
Theo ông Trường, kết quả điều tra khảo sát, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng ĐSĐT để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của Tuyến. Nếu liên thông đồng bộ được hệ thống vé của xe buýt, tàu điện, xe buýt nhanh BRT thì sẽ đem lại hiệu quả và thuận tiện hơn rất nhiều cho người dân khi đi phương tiện công cộng.