Lỗ 132 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai duy trì giao dịch với bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) do bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) làm Chủ tịch HĐQT vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2020.
Doanh thu trái cây tăng mạnh song vẫn lỗ
Theo đó, doanh thu thuần của Hoàng Anh Gia Lai tăng 24% trong quý II/2020, đạt hơn 636 tỷ đồng. Theo giải trình của doanh nghiệp, mức tăng này chủ yếu do diện tích thu hoạch trái cây tăng lên so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, do biên lãi gộp của mảng trái cây giảm từ mức 37,4% về mức gần 27%, khiến cho biên lãi gộp của Hoàng Anh Gia Lai co về mức 19,6% trong quý II/2020, thấp hơn nhiều so với mức 29,5% cùng kỳ năm trước.
Chốt quý, lợi nhuận gộp của HAG chỉ còn 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 151 tỷ đồng.
Trong kỳ, hoạt động tài chính mang về cho HAG tăng tới 35%; Thu nhập khác cũng tăng gấp hơn 3 lần. Đồng thời, các loại chi phí của HAG như chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí khác cũng được tiết giảm đáng kể.
Cụ thể, chi phí tài chính bao gồm chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu giảm từ gần 356 tỷ đồng xuống gần 289 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ chỉ bằng 34% cùng kỳ năm 2019.
Ngược lại, chi phí bán hàng tăng thêm 28%, lên xấp xỉ 132 tỷ đồng.
Doanh thu vẫn không đủ bù đắp chi phí, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức báo lỗ 62 tỷ đồng trong quý này. Dù vậy, đây vẫn là kết quả tích cực nếu so với số lỗ lên đến 704 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đã chuyển từ âm 547 tỷ lên dương 10,5 tỷ đồng tính trong quý II/2020.
Luỹ kế nửa đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức ghi nhận 1.483 tỷ doanh thu - tăng gần 61%. Trong đó, doanh thu tăng mạnh chủ yếu đến từ doanh thu bán trái cây, tăng gấp đôi cùng kỳ lên 1.220 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty còn lỗ sau thuế 132 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số 706 tỷ nửa đầu năm ngoái.
Tăng vay mượn với các doanh nghiệp của tỷ phú Trần Bá Dương
Về dòng tiền kinh doanh, trong quý II/2020, dòng tiền của HAG dương gần 221 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 9 tỷ đồng. Tính cả 6 tháng đầu năm, Công ty có dòng tiền kinh doanh dương 690 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, HAG vẫn phải vay thêm nợ để đảm bảo dòng tiền cho các hoạt động đầu tư. Ghi nhận đến thời điểm 30/6/2020, dư nợ vay tăng từ 14.698 tỷ lên 17.874,5 tỷ đồng.
Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 4.959 tỷ đồng, tăng 32% và vay dài hạn tăng 18% lên 12.915 tỷ đồng so với đầu năm.
Đáng chú ý, tổng nợ vay ngân hàng Hoàng Anh Gia Lai giảm, ngược lại vay nợ cá nhân, tổ chức khác tính chung với trái phiếu tăng mạnh. Trong đó, phần lớn lượng nợ mà HAG vay thêm trong nửa đầu năm là từ nhóm công ty liên quan đến tỷ phú Trần Bá Dương, bao gồm Nông nghiệp Thadi (gồm 563 tỷ vay ngắn hạn và 2.185 tỷ dài hạn); ô tô Trường Hải (1.769 tỷ dài hạn).
Tính tới cuối tháng 6, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức có tổng tài sản 40.317 tỷ dồng, tăng so với mức 38.632 tỷ đồng đầu năm. Tiền mặt sụt giảm mạnh từ 254 tỷ xuống chỉ còn 82 tỷ đồng tính đến hết quý II/2020.
Nửa đầu 2020, doanh nghiệp của Bầu Đức vẫn chi 1.326 tỷ đồng mua sắm, xây dựng tài sản cố định.
Báo cáo tài chính quý này cũng cho thấy, HAG của bầu Đức đang có hơn 5.300 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và gần 2.340 tỷ đồng hàng tồn kho tại thời điểm cuối tháng 6/2020.
Giao dịch giữa Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức
Tại phần thuyết minh giao dịch với các bên liên quan, Hoàng Anh Gia Lai và Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức vẫn duy trì nhiều giao dịch qua lại với nhau.
Cụ thể, trong kỳ, ghi nhận 3,6 tỷ đồng là khoản tiền "lợi nhuận hợp tác kinh doanh". Khoản mục này trong quý I chỉ là 1,8 tỷ đồng.
Không chỉ có vậy, Hoàng Anh Gia Lai còn ghi nhận khoản "phải thu về cho vay ngắn hạn" của bầu Đức 20,12 tỷ đồng.
Ngoài ra, HAGL còn có phải thu ngắn hạn khác với bầu Đức trị giá hơn 65,6 tỷ đồng. Giao dịch của khoản phải thu này là "Cho mượn tạm". Tuy nhiên, không chỉ bầu Đức và một vài lãnh đạo HAG "mượn tạm" hoặc vay tiền của Hoàng Anh Gia Lai.
Chiều ngược lại, HALG cũng "phải trả" cho bầu Đức một khoản tiền không nhỏ bao gồm: gần 2,4 tỷ lợi nhuận hợp tác kinh doanh (khoản mục phải trả ngắn hạn khác) và phải trả dài hạn ( hợp tác kinh doanh) lên tới 180 tỷ đồng.