Lo điện cho năm tới, 2 kịch bản cung cấp điện 2022 mới nhất

27/11/2021 14:06 GMT+7
Các kịch bản phụ tải tăng trưởng ở mức 8,2% và mức cao 12,4% sẽ giúp ngành điện chủ động đảm bảo điện trong năm tới.

Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2021, nhu cầu sử dụng điện giảm xuống trong thời gian dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát, đặc biệt từ sau ngày 19/7. Thống kê từ tháng 8 tới nay, nhu cầu phụ tải toàn quốc tăng trưởng thấp. Luỹ kế 10 tháng đầu năm 2021, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 213 tỷ kWh, tăng trưởng chỉ 3,3% so với năm 2020, thấp hơn 5,7 tỉ kWh so với kế hoạch năm.

Trong khi đó, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân tại Việt Nam trước Covid-19 là 10,9% trong giai đoạn 2010-2015 và 10,1% trong giai đoạn 2016-2019. Việc dự đoán tiêu thụ điện trong thời gian tới là rất khó khăn, nhu cầu phụ tải biến động bất thường do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lo điện cho năm tới, 2 kịch bản cung cấp điện 2022 mới nhất - Ảnh 1.

Các kịch bản phụ tải tăng trưởng ở mức 8,2% và mức cao 12,4% sẽ giúp ngành điện chủ động đảm bảo điện trong năm tới. Ảnh: EVN

EVN cho biết, căn cứ dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Quốc hội, EVN cân đối cung cầu điện năm 2022 với phương án phụ tải tăng trưởng ở mức 8,2%, tương ứng sản lượng điện toàn quốc 275,5 tỷ kWh. Ngoài ra, để chuẩn bị tốt nhất cho các tình huống phục hồi kinh tế, EVN cũng tính toán thêm kịch bản cung ứng cho nhu cầu phụ tải tăng trưởng ở mức cao 12,4%; tương đương sản lượng điện toàn quốc đạt 286,1 tỷ kWh.

EVN sẽ cố gắng phối hợp với các đơn vị có liên quan và khách hàng sử dụng điện để thực hiện một số giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 như: Giải pháp vận hành hệ thống điện, bổ sung nguồn cung, tăng cường năng lực truyền tải, tuyên tuyền và thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm, thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải (DR)…

Để từng bước phục hồi nền kinh tế, năng lượng có vai trò qua trọng, trong đó sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yếu tố là giải pháp quan trọng. EVN cũng cho biết, hệ số đàn hồi điện năm 2019 của Việt Nam đạt 1,29 nhưng vẫn ở mức cao hơn so với các nước phát triển. Việt Nam có hơn 2.900 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, nhưng tiêu thụ điện chiếm tới 33% tổng lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Nếu các cơ sở này tiết kiệm tối thiểu 2% điện năng tiêu thụ/năm thì mỗi năm, cả nước tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh, tương đương 2.700 tỷ đồng.

Với khách hàng sinh hoạt hộ gia đình, tiêu thụ hơn 30% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc. Nếu 27 triệu hộ gia đình có thể tiết kiệm 1% điện năng tiêu thụ thì mỗi năm, cả nước có thể tiết kiệm 630 triệu kWh, tương đương hơn 1.170 tỷ đồng.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục