Lời giải cho "bài toán" nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản hiện không thiếu nguồn cung về nhà ở, nhưng khan hiếm nguồn cung về nhà ở giá rẻ và nhà ở xã hội. Tình trạng lệch pha giữa cung và cầu đã làm giảm sức mua của người dân, góp phần gia tăng khó khăn cho thị trường.
Điều này thể hiện rõ qua việc giá bất động sản, nhà ở và đất nền đã tăng từ đầu năm 2021. Đến cuối năm, giá căn hộ chung cư tăng trung bình khoảng 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong các dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với cuối năm 2020.
TS Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Mặc dù sức cầu thị trường rất tốt, nhưng vẫn chứng kiến sự suy giảm trong giao dịch do các nhà đầu tư đang đối diện với vấn đề "chôn" vốn và phải giải quyết những thách thức tài chính.
"Có 70% doanh nghiệp cho biết, các chính sách về nguồn vốn vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Trong đó, đa số những doanh nghiệp này cho biết, chính quyền địa phương nơi họ có hợp đồng kinh doanh đã bắt đầu tuyên truyền hướng dẫn tổ chức hỗ trợ chính sách, nhưng chỉ có 15% doanh nghiệp đánh giá về những chính sách hỗ trợ về đất đai, gồm công tác giải phóng mặt bằng, quyền sử dụng đất đạt mức độ hiệu quả…; 28% đánh giá việc thực hiện các chương trình tiếp cận vốn vay ưu đãi,…", ông Đính chia sẻ.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia , chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, với nguồn vốn như hiện nay sẽ rất khó khi triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Gói 120.000 tỷ đồng là nỗ lực rất lớn của các ngân hàng thương mại, nhưng với mức lãi suất quá cao so với sức chịu đựng của người thu nhập thấp. Chưa kể, nguồn của gói 120.000 tỷ đồng chủ yếu là huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay làm nhà ở xã hội là dài hạn, nên chưa phù hợp.
TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng với chủ đầu tư làm nhà ở xã hội, lợi nhuận khống chế là không quá 10% nhưng lãi suất vay đã hơn 8%, chưa kể vấn đề thủ tục phức tạp hơn cả nhà ở thương mại, rồi cả thanh tra, kiểm tra sau hoàn thành…, rất khó thu hút được doanh nghiệp tham gia.
"Có thể nói, hiện chưa có nguồn vốn thực sự thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, gói 120.000 tỷ đồng cũng vậy. Đã đến lúc cần tính đến việc thành lập Quỹ Phát triển nhà ở do Nhà nước kiểm soát để có nguồn lực ổn định, lâu dài mới tạo ra được vốn cho nhà ở xã hội", ông Lực nói.
Ông Hoang D.Quan, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần quản lý quỹ Amber (AFM), Chủ tịch Quỹ A+ cho biết thị trường có nhiều yếu tố khó khăn, nhưng trong đó, khó khăn về vốn được cho là một trong những vấn đề then chốt.
"Với vai trò quỹ đầu tư, chúng tôi mong muốn sẽ đóng góp vào xây dựng cho thị trường bất động sản phát triển bền vững. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, thị trường nhà ở xã hội là rất cần thiết, đặc biệt vụ việc cháy chung cư mini tại Hà Nội mới đây khiến chúng tôi càng quyết tâm đầu tư cho thị trường nhà ở xã hội. Vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm các doanh nghiệp đầu tư vào thị trường bất động sản nhà ở xã hội với số vốn dự kiến khoảng 200 triệu đô, dù số vốn này không phải lớn nhưng dự kiến có thể xây dựng được 7000 – 8000 căn hộ phục vụ nhu cầu cho người dân", ông Hoang D.Quan cho biết.