Mặc Trump kỳ vọng, Bắc Kinh không muốn ký thỏa thuận giai đoạn 1 tại Mỹ?
Các nhà lãnh đạo hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lên kế hoạch gặp gỡ và ký kết thỏa thuận thương mại tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra ở Chile, nhưng Chile sau đó bất ngờ hủy đăng cai APEC do tình hình xã hội bất ổn trong nước. Thế là giờ đây, Mỹ và Trung Quốc lại loay hoay tìm kiếm địa điểm gặp gỡ khác.
Hôm 3/11, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tiết lộ với Bloomberg rằng nhiều địa điểm đang được thảo luận, hai quốc gia có thể cân nhắc ký kết thỏa thuận tại Iowa, Alaska, Hawaii, thậm chí xem xét các địa điểm tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Wilbur Ross không phải thành viên chủ chốt trong phái đoàn thương mại, và Tổng thống Donald Trump thì tuyên bố muốn ký thỏa thuận trên đất Mỹ.
Trả lời giới truyền thông, ông Trump tiết lộ có thể cân nhắc bang nông nghiệp Iowa, nơi có ý nghĩa quan trọng trong chiến dịch bầu cử Tổng thống, đồng thời là nơi được hưởng lợi lớn sau thỏa thuận Mỹ Trung như một lựa chọn tiềm năng. Ông Trump bày tỏ sự tin tưởng Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhất trí với địa điểm này. Tuy nhiên cho đến nay, phía Bắc Kinh vẫn chưa phản hồi lại bình luận nói trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã né tránh trả lời trực tiếp khi được hỏi liệu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ lên kế hoạch gặp gỡ tại đâu. Vị này chỉ khẳng định thảo luận thương mại đang tiến triển và hai phái đoàn vẫn giữ liên lạc chặt chẽ. Còn Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross hôm 4/11 tại Bangkok thì khẳng định hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cần sớm ổn định quan hệ, giải quyết những mâu thuẫn thương mại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Ông Lu Xiang, chuyên gia phân tích các vấn đề Mỹ tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc mới đây nhận định thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 có thể ký kết ở bất cứ đâu: Trung Quốc, Mỹ hoặc thậm chí một quốc gia thứ 3. Theo ông Lu Xiang, bang nông nghiệp Iowa có thể là một lựa chọn, vì Chủ tịch Tập Cận Bình đã vài lần ghé thăm và rất quen thuộc với nơi này. Tuy nhiên, theo những nguồn tin thân cận khác, Bắc Kinh hiện đang rất thận trọng trong việc lựa chọn địa điểm ký kết thỏa thuận để tránh thể hiện sự nhượng bộ quá nhiều của Bắc Kinh.
“Việc Chủ tịch Tập xuất hiện tại Mỹ để ký kết thỏa thuận có thể sẽ khiến Trung Quốc bị hiểu sai là thỏa hiệp quá nhiều. Nếu người Mỹ muốn thể hiện sự chân thành, hãy đề xuất một vòng đàm phán khác tại Trung Quốc trước khi lựa chọn địa điểm ký kết thỏa thuận thương mại cuối cùng” - nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Còn theo ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế từ Đại học Renmin, hiện vẫn là quá sớm để thảo luận về địa điểm ký kết thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1. Theo ông Shi, nội dung thỏa thuận vẫn còn nhiều thách thức, khi mà Mỹ muốn Trung Quốc cam kết nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ trong vòng 2 năm chỉ để đổi lại việc Nhà Trắng dỡ bỏ một phần kế hoạch trừng phạt thuế quan. “Đây không chỉ là vấn đề liệu Trung Quốc có đủ tiềm năng nhập khẩu số nông sản khổng lồ này hay không, mà còn là vấn đề liệu các nội dung thỏa thuận này có nguy cơ vi phạm những nguyên tắc thương mại tự do của WTO hay không”.
“Nếu thị trường muốn một thỏa thuận lâu dài và có giá trị thực hiện, nó sẽ mất nhiều thời gian để thảo luận. Việc hai nước đạt đến thỏa thuận trong thời gian ngắn chỉ phản ánh các điều khoản mơ hồ, khái quát hóa có thể dẫn đến nhiều tranh chấp trong tương lai mà thôi” - ông Shi nói thêm. “Hiện tôi chưa thấy nhiều bằng chứng cho thấy mối quan hệ song phương Mỹ Trung đã được cải thiện đến mức đạt tới thỏa thuận cụ thể và ký kết thỏa thuận trong thời gian ngắn”.
Nhận định của ông Shi đi ngược lại với tuyên bố của hai Chính phủ sau cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin hồi cuối tuần trước, rằng hai bên đã đạt tới một sự đồng thuận về nguyên tắc trong thỏa thuận thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần nhấn mạnh thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 đã đến rất gần.
Một động thái khác khiến nhiều chuyên gia kinh tế e dè, là việc Taoran Notes (một tài khoản truyền thông xã hội của tờ Nhật Báo Kinh Tế Trung Quốc, một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc) hôm 4/11 đã nhấn mạnh lại việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan là yêu cầu cốt lõi của Bắc Kinh để đạt thành thỏa thuận Mỹ Trung. Trong khi đó, chính quyền Donald Trump chỉ đồng thuận đình chỉ mức thuế với 120 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực hôm 15/10 vừa qua, không đề cập gì đến các kế hoạch trừng phạt thuế quan đã và sắp được triển khai. Các quan chức Trung Quốc hiện cũng bày tỏ mối quan ngại về diễn biến thảo luận thương mại, do lo ngại Tổng thống Donald Trump sẽ không thể kiên nhẫn đi tới thỏa thuận dài hạn cuối cùng.
Về phía Washington, chính Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng thừa nhận thỏa thuận giai đoạn 1 là một quá trình đặc biệt phức tạp do Mỹ cần đảm bảo rằng cả Mỹ và Trung Quốc có một góc nhìn chính xác, rõ ràng, chi tiết về mọi điều khoản mà hai bên ký kết.