Chuyên gia UBS: Kinh tế Việt Nam có "tiềm năng to lớn"

10/02/2021 15:50 GMT+7
Một chuyên gia UBS mới đây nhận định kinh tế Việt Nam có triển vọng và “tiềm năng to lớn” với tốc độ tăng trưởng vượt xa các nước trong khu vực.

Kelvin Tay, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management mới đây nhận định trên tờ CNBC rằng Việt Nam là thị trường ưa thích của UBS. “Đó là một nền kinh tế mà chúng tôi kỳ vọng có tiềm năng lớn, với tốc độ tăng trưởng vượt xa các nước đồng cấp”.

Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có mức tăng trưởng hàng đầu tại châu Á vào năm 2020, cũng là một trong số hiếm hoi các quốc gia đạt tăng trưởng dương trong năm ngoái khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2020 của Việt Nam đạt 2,9%.

Chuyên gia UBS: Kinh tế Việt Nam có "tiềm năng to lớn" - Ảnh 1.

Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có mức tăng trưởng hàng đầu tại châu Á vào năm 2020

Trong những năm gần đây, UBS nhận định Việt Nam được coi là một trong những trung tâm sản xuất thay thế cho các quốc gia muốn dịch chuyển dây chuyền cung ứng ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.

Thêm vào đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và dự kiến sẽ vượt qua Philippines về tổng vốn hoá thị trường vào khoảng giữa năm 2021, theo nhận định của ông Kelvin Tay. Chỉ số VN-Index tại Việt Nam đã khởi đầu một năm mạnh mẽ vào thời điểm đầu tháng 1/2021 trước khi giảm mạnh do quan ngại về một số ca bùng phát dịch Covid-19 gây áp lực lên tâm lý nhà đầu tư. Chốt phiên giao dịch 9/2, tức phiên cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán truyền thống, Vn-Index tăng khoảng 1% từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng, ông Kelvin Tay thừa nhận vẫn còn nhiều thách thức lớn với những nhà đầu tư muốn rót vốn vào Việt Nam. Đầu tiên là vấn đề thanh khoản, tiếp đó là rủi ro thao túng tiền tệ mà chính quyền Trump từng cáo buộc vào năm ngoái, dù rằng Việt Nam sau đó đã lên tiếng mạnh mẽ khẳng định không thực hiện và cũng không có ý định thao túng tiền tệ để giành lợi thế thương mại.

Trước đó, hồi cuối năm 2020, tờ tạp chí kinh tế - tài chính hàng đầu châu Á Nikkei Asian Review đã tổng hợp dự báo của Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF về các nền kinh tế Đông Nam Á, lấy dữ liệu kinh tế năm 2019 làm đường cơ sở - 100. Theo đó, 3 quốc gia Việt Nam, Indonesia và Malaysia dự kiến đều đạt thang điểm trên 100 trong năm 2021, đồng nghĩa với việc kinh tế phục hồi vượt mức trước đại dịch.

Trong đó, Việt Nam được dự báo dẫn đầu nhóm 3 nước với chỉ số tăng trưởng dự báo 108,4. S&P Global dự đoán năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 10,9% tính theo GDP thực tế, qua đó trở thành quốc gia tăng trưởng mạnh nhất châu Á Thái Bình Dương.

Chuyên gia Yuta Tsukada tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản nhận định: “Nhiều công ty đa quốc gia đang đổ xô đầu tư vào Việt Nam. Đây là một lợi thế cho ngành xuất khẩu nước này”. Với lợi thế chi phí sản xuất thấp, ông Tsukada dự báo Việt Nam sẽ thu hút luồng chuyển dịch sản xuất di dời từ thị trường Trung Quốc nếu căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung tiếp tục nóng lên dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.


NTTD
Cùng chuyên mục