"Mổ xẻ" điểm nghẽn trong nghề nuôi biển ở Việt Nam
Nhỏ lẻ, manh mún, tiềm ẩn rủi ro
Tại Bình Định vừa diễn ra Hội thảo "Nghề nuôi biển: chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh này phối hợp cùng một số đơn vị đồng tổ chức, ngày 14/2.
Theo ông Trần Công Khôi, Phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi biển phong phú gồm các nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm rong tảo biển.
Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.
Ông Khôi cho hay hiện có khoảng 7.400 cơ sở nuôi biển với gần 249.000 lồng/bè, trong đó 6.500 cơ sở gần bờ, nuôi xa bờ còn ít.
Trong khi đó, các mô hình nuôi biển công nghiệp đòi hỏi vốn lớn nên hiện chỉ có một số ít doanh nghiệp đầu tư.
"Nghề nuôi biển còn tự phát, thiếu quy hoạch, cơ sở hạ tầng hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất chưa cao nên sản xuất kém hiệu quả, ô nhiễm môi trường, thiếu bền vững, dịch bệnh, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, bão gió; công nghệ lồng nuôi chưa đáp ứng; lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu số lượng và về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành", ông Khôi cho hay.
Theo đánh giá của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, 99,9% mô hình nuôi biển tại Việt Nam là nhỏ lẻ, manh mún với quy mô hộ gia đình.
Trong đó đa số có công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người nuôi, nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Còn TS Võ Sĩ Tuấn, thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng thời gian qua nghề nuôi biển đã đem lại nguồn thu đáng kể cho ngư dân, nhưng với cách làm cũ hiệu quả đã đến ngưỡng "kịch trần", không thể tăng được nữa, đã đến lúc cần phải chuyển đổi.
"Nuôi biển truyền thống nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch; thêm vào đó nuôi bằng bè gỗ rủi ro rất cao và gây ô nhiễm môi trường. Ví như ở Phú Yên, chỉ trong 1 đêm ngư dân mất đứt 70 tỉ đồng do nguồn nước nuôi thiếu nguồn oxy, tôm hùm chết hàng loạt. Chính vì thế, giải pháp là phải thay đổi kỹ thuật, công nghệ nuôi", ông Tuấn phân tích.
Tháo gỡ điểm nghẽn, xây dựng quy chuẩn nuôi biển
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam nêu một loạt những điểm nghẽn khiến nghề nuôi biển ở nước ta chưa phát triển xứng với tiềm năng.
Trước tiên, nuôi biển hiện nay thiếu quy hoạch trầm trọng; thủ tục giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân còn vướng mắc; thiếu tiêu chuẩn và quy chuẩn Việt Nam về nuôi biển; chưa có thủ tục đăng kiểm cơ sở và phương tiện nuôi biển; chưa có bảo hiểm cho cơ sở nuôi biển; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo về nuôi biển; chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi biển; thiếu nguồn tín dụng để đầu tư nuôi biển công nghiệp…
"Muốn tháo gỡ những điểm nghẽn kể trên, Chính phủ cần bổ sung Nghị định 11/2021/NĐ-CP và Nghị định 67/2014/NĐ-CP; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về nuôi biển; xây dựng tiêu chuẩn riêng cho nuôi cá biển, tôm hùm, nhuyễn thể, rong biển; xây dựng quy chuẩn vật liệu sử dụng cho nuôi biển, quy chuẩn bảo đảm an toàn hoạt động nuôi biển và quy chuẩn bảo đảm an toàn môi trường và hệ sinh thái. Đặc biệt là ban hành quy hoạch phát triển nuôi biển bền vững phạm vi quốc gia và từng tỉnh; ban hành cơ chế phối hợp quản lý liên ngành kinh tế biển, đồng thời xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tại mỗi địa phương", PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nói.
Ông Dũng cũng đề nghị trong thể chế phát triển nuôi biển công nghiệp, phải coi doanh nghiệp là chủ thể.
Cùng với đó là chính sách rõ ràng để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, tạo chuỗi sản xuất.
"Đơn giản hóa các thủ tục, có chính sách rõ ràng để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Đừng bắt doanh nghiệp phải chạy ra bộ này bộ kia để xin phép. Trong phạm vi của địa phương giải quyết được thì xử lý", ông Dũng nói thêm.
Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân ghi nhận những vướng mắc trong phát triển thủy sản nói chung, ngành nuôi biển nói riêng.
"Trong phạm vi quy định thẩm quyền, giao biển theo hải lý (từ 6 hải lý cấp tỉnh, 3 hải lý cấp huyện) để linh động phát triển các dự án nuôi biển. Trước mắt, các địa phương ven biển cần tổ chức lại sản xuất, hoạt động khai thác thủy sản ven bờ để tránh tận diệt, lãng phí tài nguyên biển. Trong đó, tổ chức lại các bãi giống, cắm mốc, giao biển cho cộng đồng, hộ gia đình và sớm thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã ven biển", ông Luân cho hay.