Một doanh nghiệp Trung Quốc vừa thâu tóm thành công nhà máy chip lớn nhất nước Anh

17/08/2021 09:55 GMT+7
Nhà lắp ráp smartphone lớn nhất Trung Quốc Wingtech Technology hôm 16/8 tuyên bố đã hoàn tất thương vụ thâu tóm nhà máy chip lớn nhất nước Anh, một thương vụ được chú ý rộng rãi trong bối cảnh cuộc khủng hoảng thiếu chip toàn cầu.

Wingtech Technology cho biết đã nhận được thông báo từ cơ quan đăng ký doanh nghiệp có trụ sở tại Vương quốc Anh rằng quyền sở hữu nhà máy chip lớn nhất Anh quốc Newport Wafer Fab có trụ sở tại xứ Wales đã được chuyển giao cho công ty con Nexperia của Wingtech. “Việc chuyển giao quyền sở hữu đã hoàn tất là Wingtech hiện gián tiếp sở hữu 100% cổ phần Newport Wafer Fab” - trích một tuyên bố của Wingtech trong hồ sơ gửi lên giao dịch chứng khoán Thượng Hải.

Thông báo được Wingtech đưa ra bất chấp những lo ngại đang gia tăng ở Anh rằng thương vụ thâu tóm Newport Wafer Fab có thể gây rủi ro cho an ninh quốc gia. 

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu các cố vấn an ninh quốc gia xem xét lại thỏa thuận này. Trong khi đó, ông Tom Tugendhat, chủ tịch ủy ban lựa chọn các vấn đề đối ngoại của Anh cũng kêu gọi chính phủ xem xét và dừng thỏa thuận mua lại dựa trên Đạo luật An ninh Quốc gia và Đầu tư. “Đây là nhà máy chip lớn và tiên tiến cuối cùng còn sót lại của Anh. Nó được bán cho người Trung Quốc và chính phủ Anh không có hành động nào” - ông Tom nhấn mạnh. Còn ông Duncan Smith, một thành viên Quốc hội Anh đồng thời là cựu lãnh đạo Đảng Bảo thủ thì cảnh báo Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu thống trị toàn cầu trong lĩnh vực chip bán dẫn. “Trung Quốc đang bận rộn đánh cắp công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và mua lại các công ty” - ông này cáo buộc

Hiện cả Wingtech và chính phủ Anh đều chưa đưa ra bình luận nào thêm sau thương vụ. 

Một doanh nghiệp Trung Quốc vừa thâu tóm thành công nhà máy chip lớn nhất nước Anh - Ảnh 1.

Một doanh nghiệp Trung Quốc vừa thâu tóm thành công nhà máy chip lớn nhất nước Anh (Ảnh: Newport Wafer Fab)

Nhà máy chip Newport Wafer Fab được thành lập từ năm 1982 và là một trong số ít công ty chế tạo chip của Anh. Trụ sở Newport Wafer Fab hiện đặt tại Newport, South Wales. 

Một số công ty chip châu Âu khác, chẳng hạn Imagination Technologies của Anh, Linxens của Pháp và Ampleon của Hà Lan trong những năm gần đây cũng đã về tay các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn, một phân tích cho thấy.

Việc Wingtech hoàn tất nhanh chóng thương vụ mua lại Newport Wafer Fab hoàn toàn trái ngược với sự trì trệ của nhiều thương vụ mua lại trong ngành chip trước đây khi các cơ quan quản lý Trung Quốc và Anh quốc kéo dài thời gian phê duyệt. Chẳng hạn, thương vụ Nvidia muốn mua lại nhà thiết kế chip của Anh được hậu thuẫn bởi SoftBank hồi năm ngoái với giá thầy kỷ lục 40 tỷ USD.

Thương vụ thâu tóm Newport Wafer Fab hoàn tất sẽ giúp Wingtech tăng nguồn cung chip vốn đã thiếu hụt trầm trọng trong vài tháng qua do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và nhiều yếu tố khác. Thỏa thuận diễn ra khi nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc là SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen, qua đó hạn chế khả năng tiếp cận với công nghệ sản xuất chip tiên tiến của Mỹ.

Newport Wafer Fab đã báo cáo khoản lỗ ròng 18,61 triệu bảng Anh (25,8 triệu USD) trên tổng doanh thu 30,91 triệu bảng Anh trong năm ngoái. Dù vậy, Wingtech cho biết trong hồ sơ gửi lên sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải rằng khoản lỗ này có tác động rất hạn chế đến tình hình tài chính của tập đoàn do mức lỗ của Newport khá nhỏ nếu xét trên tổng doanh thu và lợi nhuận của Wingtech. Trong năm 2020, Wingtech báo cáo doanh thu 51,7 tỷ nhân dân tệ (7,98 tỷ USD) với lợi nhuận ròng 2,46 tỷ nhân dân tệ, tăng gấp đôi so với năm 2019. 

Wingtech, được thành lập vào năm 2006 bởi Zhang Xuezheng, một cựu kỹ sư STMicroelectronics và hiện đã trở thành nhà lắp ráp smartphone lớn nhất Trung Quốc. Các đối tác của Wingtech bao gồm các hãng smartphone hàng đầu thế giới như Samsung, Xiaomi và Oppo. Trong những năm qua, Wingtech đang tích cực mở rộng sự hiện diện trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng chip. Hồi đầu năm, Wingtech đã mua lại các nhà máy từ O-film Tech, một nhà sản xuất mô-đun camera smartphone Trung Quốc sau khi O-film Tech lọt vào danh sách đen của Mỹ.


NTTD
Cùng chuyên mục