Mỹ sắp cấp giấy phép xuất khẩu để DN Mỹ bán hàng cho Huawei
“Hai bên đang đạt đến những tiến bộ tích cực, vậy nên chẳng có lý do gì chúng tôi không cấp giấy phép xuất khẩu cho các công ty đối tác của Huawei tại Mỹ cả. Tất nhiên, có thể nó sẽ đến muộn một chút, nhưng không điều gì là không thể” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross trả lời phỏng vấn tờ Bloomberg.
Cũng theo vị Bộ Trưởng này, hiện Bộ Thương mại đã nhận được và đang giải quyết 260 yêu cầu cấp giấy phép xuất khẩu cho Huawei từ các công ty Mỹ. Tiết lộ của ông Wilbur Ross đến đúng vào thời điểm nhạy cảm khi các cuộc thảo luận thương mại Mỹ Trung đang diễn biến tích cực và sắp đi tới thỏa thuận giai đoạn 1 với nhiều ý nghĩa quan trọng. Đây có thể xem như một cử chỉ thiện chí tiếp theo mà Washington gửi tới Bắc Kinh trước thềm ký kết thỏa thuận, bất chấp việc thời gian Bộ Thương mại Mỹ ban hành giấy phép xuất khẩu vẫn chưa được đề cập cụ thể.
Thực chất, từ hồi tháng 7, Bộ Thương mại Mỹ đã cho phép các công ty đệ trình yêu cầu cấp giấy phép xuất khẩu, nhưng quá trình cấp phép sau đó bị trì hoãn hơn 3 tháng nay. Lý do Bộ này đưa ra là quá trình cấp phép cần sự tham gia của nhiều Bộ, Ban ngành liên quan bao gồm cả Bộ An ninh và Bộ Ngoại giao. Nhiều chuyên gia phân tích quan ngại rằng đây thực chất là một đòn bẩy mà Washington giữ lại để tận dụng trên bàn đàm phán Mỹ Trung.
Gã khổng lồ viễn thông Huawei hồi tháng 5 đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hạn chế thương mại do hàng loạt quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia, theo đó cấm Huawei nhập khẩu công nghệ, linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ như Micron, Intel, Google... Hàng loạt cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại, gián điệp cho Bắc Kinh...nhắm vào Huawei thời điểm đó đã khiến tập đoàn viễn thông Trung Quốc lao đao. Nhà Trắng thậm chí liên tục kêu gọi các đồng minh “cấm cửa” Huawei do những mối đe dọa an ninh bất chấp sự lên án của Bắc Kinh về hành vi “bắt nạt kinh tế”. Cho đến thời gian gần đây, khi đàm phán Mỹ Trung tiến triển, Bộ Thương mại Mỹ mới có dấu hiệu “cởi trói” cho Huawei.
Hồi tuần trước, thị trường đã rộ lên những mối quan ngại sau khi Chile bất ngờ hủy tư cách đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh APEC do những bất ổn xã hội trong nước, khiến cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vốn được lên kế hoạch tại Chile đối diện với nhiều nguy cơ hủy bỏ. Tuy nhiên sau đó, cả Bắc Kinh và Washington đều trấn an công chúng bằng những tuyên bố tiết lộ diễn biến mới của tiến trình đàm phán. Phía Nhà Trắng thậm chí hứa hẹn sẽ cố gắng thúc đẩy thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 hoàn thành ngay trong tháng 11, bất chấp những nghi ngờ của phố Wall.
Hồi cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng khẳng định các cuộc thảo luận đang đạt được nhiều tiến bộ tích cực, và rằng ông muốn ký kết thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại nước Mỹ. Bang nông nghiệp Iowa được nhắc đến như một trong những địa điểm tiềm năng để ký kết thỏa thuận, bên cạnh Alaska hay Hawaii.
Mỹ và Trung Quốc trong hơn một năm qua đã bị cuốn vào một cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng khi chính quyền Donald Trump tham vọng thay đổi thể chế thương mại - pháp luật của Bắc Kinh nhằm hướng tới một môi trường kinh doanh quốc tế lành mạnh. Kể từ khi đàm phán thương mại đổ bể hồi tháng 5/2019, cho đến tháng 10 vừa qua, hai nước mới tạm đạt được những tiến bộ mới và bắt đầu các cuộc thảo luận hướng tới thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nội dung thỏa thuận bao gồm việc tạm dừng leo thang chiến tranh thuế quan của Mỹ, đổi lại, Trung Quốc cam kết tăng cường nhập khẩu khoảng 40-50 tỷ USD nông sản từ Mỹ. Đồng thời, Bắc Kinh sẽ điều chỉnh lại một số thể chế luật pháp liên quan đến dịch vụ tài chính là luật sở hữu trí tuệ vốn bị Washington lên án lâu nay.
Ngay cả khi hai nước sắp ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, Mỹ vẫn giữ nguyên mối đe dọa thuế quan 15% với khoảng 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực vào 15/12. Đó là lý do tại sao các quan chức Bắc Kinh hiện nghi ngờ về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện và dài hạn với Bắc Kinh.