Mỹ - Trung nối lại đàm phán: Giải quyết rốt ráo hay chỉ là kế hoãn binh?
Sau cuộc gặp gỡ riêng bên lề G20 với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Donald Trump đã quyết định đình chỉ mức thuế quan trừng phạt với 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Cả hai bên đều tỏ ra lạc quan về thỏa thuận thương mại, y như cái cách họ đã lạc quan sau Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Argentina tháng 12 năm ngoái.
Hãy nhớ lại rằng đàm phán đã đổ bể hồi tháng 5.2019 ra sao, và căng thẳng thuế quan đã lên cao trào thế nào. Nếu như lịch sử là cuốn cẩm nang phản chiếu tương lai, thì tín hiệu tích cực trong cuộc gặp gỡ giữa ông Trump và ông Tập hôm 29.6 vừa qua nhiều khả năng chỉ là bước đệm trước một xung đột tồi tệ hơn.
“Một khoảng thời gian tạm hoãn”, đó là cái cách ông Peter Boockvar, giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group nói về quan hệ Mỹ Trung hiện tại. “Tôi không thấy một con đường rõ rệt nào dẫn đến thỏa thuận thương mại. Chúng tôi đã bị mắc kẹt trong mức thuế 25% với số hàng hóa 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc”.
Không riêng Peter, The Eurasia Group cũng dự đoán chỉ 45% cơ hội thỏa thuận thương mại Mỹ Trung được thông qua trong năm nay. “Trump không vội vàng và không có lý do để vội vàng”.
Trump và Tập Cận Bình đều có lý do để thực hiện một "bước đệm" trước khi có những quyết định quan trọng tiếp theo
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20, Trump từ trả lời Fox Business rằng ông hài lòng với vị thế hiện tại của Mỹ, và rằng chiến tranh thương mại cũng như thuế quan trừng phạt không phải điều tốt lành với Trung Quốc, nhưng lại tốt cho nền kinh tế Mỹ. Dù rằng trước đó, hơn 600 doanh nghiệp Mỹ đã ký vào thông điệp khẩn cầu ông Trump dừng các động thái trừng phạt thuế quan và cảnh báo rằng điều đó có thể thổi bay 2 triệu việc làm của người Mỹ.
Dù thị trường đã “thở phào nhẹ nhõm” sau G20, nhiều doanh nghiệp vẫn chờ đợi một thỏa thuận cuối cùng. Đình chỉ thuế quan trong thời gian ngắn có thể giảm bớt áp lực lên thị trường, nhưng trong dài hạn, mối quan ngại mức thuế 25% vẫn còn nguyên ở đó.
Một vấn đề khác đáng lo ngại, ấy là quyền sở hữu trí tuệ. Quyết định tăng thuế lên 25% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà Trump đưa ra hồi tháng 5.2019 được cho là do cáo buộc Bắc Kinh đi ngược lại các cam kết trong thỏa thuận dự thảo. Một trong các cam kết đó là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Hồi tháng trước, Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He nhắc lại lập trường của Bắc Kinh, rằng một thỏa thuận phải dựa trên nguyên tắc công bằng và tôn trọng, không làm ảnh hưởng đến luật pháp cũng như chủ quyền quốc gia.
Theo tuyên bố này, có ít hy vọng Bắc Kinh sẽ thực sự siết chặt luật sở hữu trí tuệ như những gì đã cam kết. Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng chỉ đề cập đến việc làm rõ cơ chế xử phạt và bồi thường vi phạm sở hữu trí tuệ, chứ chưa đề cập đến việc thay đổi thể chế pháp luật.
Một nguyên nhân khiến Trump cần “khoảng thời gian tạm hoãn”, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sắp tới. Ông Trump cần giữ cho nền kinh tế ổn định để thúc đẩy lợi thế cho quá trình tranh cử.
“Trong trường hợp chiến tranh thương mại leo thang và kinh tế Mỹ tăng trưởng thụt lùi, Trung Quốc nhiều khả năng có thể thúc đẩy đàm phán với một Tổng thống khác vào năm 2021” - Ed Yardeni, chủ tịch của Yardeni Research cho hay.
“Ở chiều ngược lại, Bắc Kinh cũng có động lực chờ đợi “khoảng thời gian tạm hoãn” cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Họ sẽ biết phải đối phó với ai trên bàn đàm phán, Trump hay một người nào khác.”