Dịch Covid-19 biến Mỹ từ nhà sản xuất dầu lớn nhất thành nước nhập khẩu dầu thô

30/04/2020 06:45 GMT+7
Các công ty năng lượng Mỹ giờ đây đang cắt giảm mạnh mẽ sản lượng dầu, thậm chí đóng cửa giàn khoan khi giá dầu rớt không phanh và nhu cầu dầu toàn cầu giảm mạnh.
Dịch Covid-19 biến Mỹ từ nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới thành nước nhập khẩu dầu thô  - Ảnh 1.

Các công ty năng lượng Mỹ cắt giảm mạnh sản lượng dầu, Mỹ có nguy cơ trở lại thời kỳ nhập khẩu dầu thô

6 công ty sản xuất dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ dự kiến sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 300.000 thùng dầu/ ngày trong tháng 5 và tháng 6, theo một nhà phân tích Rystad Energy.

“Phân tích các tín hiệu từ Continental Resources, Cimarex Energy, ConocoPhillips, PDC Energy, Parsley Energy và Enerplus Corporation, chúng tôi dự đoán 6 công ty này có thể cắt giảm sản lượng dầu tới 300.000 thùng/ ngày trong tháng 5 và tháng 6, tăng mạnh từ mức cắt giảm dự kiến 100.000 thùng/ ngày trong tháng 4” - trích báo cáo của Rystad Energy.

Chỉ một tháng trước, hồi tháng 3, các công ty năng lượng Mỹ vẫn sản xuất với mức sản lượng dầu kỷ lục 13,1 triệu thùng bất chấp nhu cầu dầu toàn cầu giảm mạnh do dịch Covid-19 nhằm duy trì vị thế quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Nhưng đến giữa tháng 4, theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA, sản lượng dầu tại Mỹ đã giảm xuống 12,2 triệu thùng, tức giảm tới 900.000 thùng chỉ trong 2 tuần. Đây là mức sản lượng thấp nhất kể từ tháng 7/2019 đến nay của ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ.

Continental Resources, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất nước Mỹ có trụ sở tại Oklahoma hiện đang quyết liệt thắt chặt sản lượng dầu khi giá dầu rớt không phanh và các kho dự trữ sắp tràn. Công ty này dự báo cắt giảm sản lượng 69.000 thùng/ ngày trong tháng 4 và gần 150.000 thùng/ ngày trong tháng 5, tháng 6 tới. ConocoPhillips có trụ sở tại Houston, Texas cũng tuyên bố cắt giảm sản lượng tới 125.000 thùng/ ngày trong tháng 5. 

Artem Abramov, chuyên gia nghiên cứu dầu đá phiến của Rystad Energy ước tính mức sụt giảm sản lượng lên tới 900.000 thùng/ ngày tại Permian, 250.000 thùng/ ngày tại Eagle Ford và 400.000 thùng/ ngày tại Bakken trong suốt quý II. Permian, Eagle Ford và Bakken là 3 khu vực sản xuất dầu đá phiến lớn nhất nước Mỹ.

Trước đó, hồi đầu tháng 4, OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, Canada, Na Uy và Brazil đã hoàn tất thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục lên tới 9,7 triệu thùng/ ngày để bảo vệ thị trường dầu trong bối cảnh giá dầu chịu sức ép lớn từ cả cung và cầu. Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực từ 1/5 tới đây. Mỹ đã không tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu nào, thay vào đó là để thị trường tự điều tiết sản lượng. Rõ ràng, điều tiết của thị trường đang diễn ra khi các công ty năng lượng Mỹ đóng cửa giếng dầu, cắt giảm sản lượng khi giá dầu rớt xuống mức gần 10 USD/ thùng.

Dịch Covid-19 biến Mỹ từ nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới thành nước nhập khẩu dầu thô  - Ảnh 3.

Giá dầu lần đầu tiên giao dịch ở mức âm hôm 20/4

Hôm 20/4, giá dầu WTI của Mỹ thậm chí rớt xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử khi hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5 giao dịch ở mức -37,63 USD/ thùng khi hợp đồng hết hạn vào một ngày sau đó. Các nhà giao dịch đã phải trả tiền để thoát khỏi hợp đồng khi kho dự trữ dầu trên toàn cầu sắp tràn còn nhu cầu dầu thì chạm đáy vì dịch Covid-19. 

Giá dầu WTI giao tháng 6 hiện cũng giao dịch quanh mức 10-15 USD/ thùng. Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã giảm hơn 75%.

Các nhà phân tích năng lượng thậm chí đang cảnh báo về cuộc khủng hoảng lặp lại, rằng giá dầu WTI giao tháng 6 có thể xuống mức âm tương tự như những gì đã xảy ra với hợp đồng tương lai dầu WTI tháng 5. Nguyên nhân là các kho dự trữ dầu trên bờ dự kiến sẽ tràn trong vài tuần tới, trong khi nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của các nước không đủ để cứu vãn nhu cầu dầu giảm sâu trong đại dịch. 

Cơ quan Thông tin Năng lượng EIA thậm chí dự kiến sản lượng dầu tại Mỹ sẽ giảm xuống 11 triệu thùng/ ngày vào năm 2021, tức giảm hơn 1 triệu thùng so với mức 12,2 triệu thùng/ ngày hiện tại. Do chi phí sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cao hơn hầu hết các đối thủ cạnh tranh khác, EIA thậm chí cho rằng Mỹ sẽ rời vị thế nhà sản xuất dầu số 1 thế giới, trở lại là nhà nhập khẩu ròng dầu thô trong quý III/2020. S & P Global Platts hồi đầu tháng 4 cũng dự đoán Mỹ chứng kiến hơn 50% giàn khoan đóng cửa khi thị trường dầu mỏ biến động.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục