Mỹ vừa công bố mức GDP tệ chưa từng có, Trung Quốc tung ngay dữ liệu kinh tế "màu hồng"

31/07/2020 12:27 GMT+7
Trong khi Mỹ vừa công bố dữ liệu GDP quý II tệ nhất mọi thời đại, Chính phủ Trung Quốc lại công khai các dữ liệu kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đầy tươi sáng.
Mỹ vừa công bố mức GDP tệ chưa từng có, Trung Quốc tung ngay dữ liệu kinh tế "màu hồng" - Ảnh 1.

Chính phủ Trung Quốc vừa công bố các dữ liệu kinh tế phục hồi mạnh mẽ

Chỉ số quản lý thu mua PMI lĩnh vực sản xuất trong tháng 7 đã tăng lên mức 51,1, tiến vào lãnh thổ tích cực, phản ánh sự tăng trưởng sản lượng của các nhà máy. Chỉ số PMI được mệnh danh là thước đo cung cấp cái nhìn khái quát về tình trạng các nhà máy trong nền kinh tế, bao gồm lượng hàng tồn kho, lượng hàng xuất khẩu... Hồi tháng 6, PMI sản xuất của Trung Quốc đạt 50,9.

Chỉ số PMI phi sản xuất của lĩnh vực dịch vụ và xây dựng cũng đạt 54,2, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc NBS. Con số này thấp hơn mức 54,4 hồi tháng 6 và mức kỳ vọng 54,5 của các nhà phân tích, nhưng nhìn chung nó đều phản ánh sự tăng trưởng, mở rộng theo chiều hướng tích cực.

Như vậy, nếu coi PMI là phong vũ biểu cho sức khỏe nền kinh tế thì chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, xây dựng của Trung Quốc đang báo hiệu sự tăng trưởng dần ổn định với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số đơn hàng xuất khẩu mới tăng từ mức 42,6 hồi tháng 6 lên 48,4 trong tháng 7, cho thấy lượng đơn hàng đang bắt đầu phục hồi, mở ra triển vọng lạc quan cho xuất khẩu trong những tháng tiếp theo. Trước đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 6 của Trung Quốc ghi nhận mức tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng 2,7%. Lợi nhuận các công ty công nghiệp tăng mạnh 11,5% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái.

Các công ty khai thác mỏ cũng báo cáo lô hàng quặng sắt tăng mạnh trong những tuần gần đây, một dấu hiệu cho thấy lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng đang trên đà khởi sắc.

Zhao Qinghe, một nhà thống kê cao cấp tại Cục Thống kê Quốc gia nhận định: “Thông qua việc kết hợp chính sách kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế, môi trường kinh tế Trung Quốc đang phục hồi và hoạt động kinh doanh tiếp tục được cải thiện”.

Điều này trái ngược hoàn toàn với dữ liệu kinh tế ở những quốc gia lớn khác trên toàn cầu. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ mới đây báo cáo GDP giảm 32,9% trong quý II/2020, một mức giảm tồi tệ chưa từng có trong lịch sử. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 càn quét Trung Quốc hồi đầu năm, GDP quý I/2020 của Trung Quốc cũng chỉ chứng kiến mức -6,8%. Đến quý II/2020, GDP Trung Quốc đã tăng lên mức 3,2% và tiếp tục trên đà phục hồi trong những quý tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên, thậm chí nghi ngờ do nhiều bộ phận của nền kinh tế hiện vẫn chưa vận hành với công suất thông thường như trước khi xảy ra đại dịch. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt có khả năng cản trở sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.

Dữ liệu vận tải đường biển chỉ ra kim ngạch xuất khẩu thiết bị vật tư y tế và đồ bảo hộ cá nhân, bao gồm cả khẩu trang sang Mỹ đã có xu hướng chậm lại trong nửa đầu tháng 7 bất chấp các ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng vọt. Trước đó, thị trường thiết bị vật tư y tế Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ trong những tháng đầu năm, góp phần đáng kể vào sự phục hồi kim ngạch thương mại của nước này.

Trên thị trường lao động, triển vọng tăng trưởng việc làm là không lớn. Chính phủ Bắc Kinh hiện đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng tự lực, lấy thị trường trong nước làm động lực chính cho sự phát triển.

Bên cạnh đó, một số ổ dịch Covid-19 bùng phát trong những tuần gần đây tại Trung Quốc vẫn đe dọa cơ hội phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tương lai.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục