Trung Quốc công bố dữ liệu tăng trưởng kinh tế quý II quá bất ngờ
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng vượt kỳ vọng
Trước đó, khảo sát của Reuters trước đó, các nhà phân tích dự kiến GDP Trung Quốc quý II sẽ tăng trưởng khiêm tốn ở mức 2,5%. Hồi quý I, Trung Quốc đã chứng kiến tăng trưởng kinh tế -6,8% sau nhiều tuần liền thực hiện phong tỏa các tỉnh thành để hạn chế sự lây lan dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên sau ít nhất gần 3 thập kỷ, Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng âm như vậy.
Dữ liệu GDP chính thức của Trung Quốc được theo dõi chặt chẽ như một chỉ báo “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng nhiều chuyên gia quốc tế lâu nay vẫn bày tỏ sự hoài nghi về tính xác thực của các báo cáo này.
Dù vậy, không thể phủ nhận nền kinh tế Trung Quốc đang dần thành công trong việc khắc phục những thiệt hại từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 và lấy lại động lực phục hồi. Chính phủ Bắc Kinh trong suốt nhiều tháng qua đã không ngừng nỗ lực đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế bao gồm thúc đẩy chi tiêu tài chính, cắt giảm lãi suất cho vay và tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng...
Dữ liệu thống kê tháng 6 của Tổng Cục Hải Quan cũng cho thấy kim ngạch xuất nhập khẩu bằng đồng USD của Trung Quốc tăng mạnh. Hoạt động sản xuất trong tháng 6 cũng chứng kiến sự mở rộng so với tháng 5, theo khảo sát thực hiện bởi các Bộ trực thuộc chính phủ.
Bo Zhuang, nhà kinh tế trưởng các vấn đề Trung Quốc tại TS Lombard nhận định nguyên nhân của sự phục hồi đáng kể này là do Bắc Kinh nới lỏng các lệnh phong tỏa sớm tương đối so với nhiều quốc gia khác trên toàn cầu (cụ thể là từ tháng 3). Ông Zhuang kỳ vọng kinh tế Trung Quốc tiếp tục phục hồi bền vững trong hai quý tới khi du lịch trong nước sôi động trở lại và nhà nước đẩy mạnh các cải cách cơ sở hạ tầng.
Cụ thể, nhà kinh tế học dự báo nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng hơn 5% trong hai quý tiếp theo. Năm 2019, tăng trưởng GDP Trung Quốc đạt 6,1%.
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai Trung Quốc vẫn phải đối mặt nhiều nguy cơ khi dịch Covid-19 vẫn đang lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu với hơn 13,5 triệu ca nhiễm và hơn 582.000 người tử vong.
Chính phủ Trung Quốc đã thừa nhận nguy cơ dịch bệnh quay trở lại và tiếp tục bùng phát. Ngay cả khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh như hiện tại, sự suy yếu kinh tế toàn cầu vẫn sẽ gây áp lực nặng nề lên phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Một dữ liệu công bố hôm 16/7 cũng cho thấy mức tiêu thụ vẫn còn yếu ở thị trường đại lục. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, dù các nhà kinh tế học Reuters dự đoán mức tăng nhẹ 0,3%. Hồi tháng 5, doanh số bán lẻ cũng chứng kiến mức giảm 2,8%.
Bên cạnh đó là hàng loạt mối quan ngại về thị trường việc làm yếu kém và tác động lâu dài của hàng loạt vụ phá sản với nền kinh tế.
Johanna Chua, quản lý bộ phận kinh tế và chiến lược châu Á tại Citigroup cho hay: “Chúng tôi nhận thấy sự phục hồi không đồng đều ở Trung Quốc… Trong dài hạn, một câu hỏi đặt ra là nhu cầu của thị trường nội địa có thể bù đắp được bao nhiêu so với lượng hàng tồn kho ngày càng lớn vì nhu cầu quốc tế suy yếu nhiều tháng trời”.
Viễn cảnh kinh tế toàn cầu cũng trở nên ảm đạm rõ rệt. Nhiều nhà quan sát dự báo kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm nay khi hàng loạt chính phủ thực hiện phong tỏa quốc gia và cách ly xã hội. Tăng trưởng kinh tế thế giới suy yếu dự kiến sẽ làm tổn thương kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.