Myanmar quay lại chế độ kiểm soát tỷ giá hối đoái khi đồng kyat trượt giá sâu

21/08/2021 20:19 GMT+7
Khi đồng kyat ngày càng trượt giá so với đồng USD kể từ thời điểm chính biến hồi tháng 2 năm nay, Ngân hàng Trung ương Myanmar đang hành động để duy trì sức mạnh đồng nội tệ, thắt chặt sự kiểm soát với thị trường tài chính.

Tờ Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin từ một tờ báo nhà nước cho biết Ngân hàng Trung ương Myanmar gần đây đã tổ chức một hội nghị trực tuyến, trong đó Phó thống đốc Win Thaw tuyên bố các ngân hàng phải duy trì tỷ giá đồng kyat đổi USD trong phạm vi nhất định (0,8% tỷ giá tham chiếu mà Ngân hàng Trung ương đưa ra). Động thái nhằm duy trì sự ổn định của tỷ giá hối đoái cũng như giá hàng hóa trong nền kinh tế, nhất là tại thời điểm dịch Covid-19 lây lan mạnh mẽ như hiện tại.

44 ngân hàng tư nhân bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Myanmar đã thống nhất tuân theo các quy tắc mà Ngân hàng Trung ương đưa ra.

Tỷ giá hối đoái trước đây được tính toán dựa trên các giao dịch tiền tệ thực tế tại các ngân hàng tư nhân. Tuy nhiên, trong nỗ lực ổn định thị trường tài chính, Ngân hàng Trung ương Myanmar đang trực tiếp can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm thao túng tỷ giá hối đoái tham chiếu, phớt lờ tỷ giá thị trường.

Myanmar quay lại chế độ kiểm soát tỷ giá hối đoái khi đồng kyat trượt giá sâu - Ảnh 1.

Ngân hàng Trung ương Myanmar quay lại kiểm soát tỷ giá hối đoái do đồng kyat trượt giá sâu sau khi chính phủ quân đội lên nắm quyền (Ảnh: Reuters)

Dù vậy, tờ Nikkei cho hay khi tình trạng bất ổn chính trị tiếp diễn và lo ngại nguồn thu ngoại tệ giảm mạnh; xu hướng mất giá đồng kyat khó có thể được kiềm chế. Các quy định mới về ngoại hối cũng có khả năng nới rộng khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái do Ngân hàng Trung ương điều tiết và tỷ giá thị trường, dẫn đến gián đoạn các giao dịch hợp pháp và thúc đẩy thị trường chợ đen. 

Tỷ giá tham chiếu đồng kyat hôm 13/8 ở mức 1 USD đổi 1.650 kyat, tuy nhiên giá trị của nó đã giảm mạnh xuống 1 USD đổi 1,720-1,760 USD vào ngày hôm sau. Những người đổi tiền đã ngừng công khai tỷ giá giao dịch và đang tìm cách lách luật bằng việc giao dịch qua kênh online và nhiều phương tiện khác. Từ đầu tuần này, một số quầy đổi tiền trực tiếp ở Yangon đã ngừng đổi USD cho khách hàng.

Các ngân hàng bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các quy định tăng cường về tỷ giá hối đoái do chỉ có thể thực hiện giao dịch trong phạm vi tỷ giá được quy định. Một nhân viên tại ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Myanmar cho hay: “Khi tỷ giá tham chiếu đồng USD yếu hơn giá trị thị trường thực tế của nó, sẽ có ít người bán USD đang nắm giữ, qua đó gây khó khăn cho các giao dịch tiền tệ ở ngân hàng. Một số công ty nước ngoài đã bắt đầu xem xét việc rời khỏi đất nước do quan ngại không thể đổi được USD”.

Các nhà nhập khẩu thường có nhu cầu đổi một phần tiền kyat mà họ kiếm được thành USD để trả cho các nhà xuất khẩu nước ngoài. Nếu nhu cầu này không được đáp ứng do khan hiếm đồng USD, các giao dịch sẽ không được thanh toán, dẫn đến tình trạng nợ nần hoặc khan hiếm hàng nhập khẩu.

Kể từ khi quân đội Myanmar lên nắm quyền hồi tháng 2, thị trường liên ngân hàng đã có nhiều xáo trộn lớn. Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu mua USD và không thể xử lý các lệnh giao dịch tiền tệ của khách hàng. Tính đến tháng 1/2021, ngay trước chính biến, giao dịch bằng USD giữa các ngân hàng đạt trung bình 20,3 triệu USD mỗi ngày. Nhưng đến tháng 7 vừa qua, con số này đã giảm mạnh xuống 3,6 triệu USD.

Myanmar đã áp dụng hệ thống tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý từ tháng 4/2012. Chính phủ đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã tự do hóa các giao dịch tiền tệ kể từ năm 2016 và đến tháng 1/2017 thì bãi bỏ hầu hết các hạn chế liên quan đến giới hạn tỷ giá giao dịch trong phạm vi 0,8% so với tỷ giá tham chiếu. Đến tháng 2/2019, chính phủ giới thiệu  phương pháp căn cứ vào giao dịch tiền tệ thực tế tại ngân hàng để làm tỷ giá tham chiếu nhằm phản ánh chính xác tỷ giá thị trường.


NTTD
Cùng chuyên mục