Nếu không có "bất ngờ" trong quý IV, Nam Long khó chạm tới mục tiêu lợi nhuận năm 2020
Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 với doanh thu đạt trên 640 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ 2019.
Theo NLG, khoản doanh thu tăng mạnh này là do công ty đã hoàn tất chuyển nhượng bất động sản thuộc dự án Tân Thuận Đông, đạt 246 tỷ (chiếm 38% tổng doanh thu). Phần còn lại được đóng góp từ bàn giao căn hộ, biệt thự, sản phẩm đất nền là 43 tỷ (chiếm 6% doanh thu) và doanh thu dịch vụ tổng thầu, xây dựng với số tiền 344 tỷ đồng (chiếm 54%).
Tuy nhiên, đà tăng của giá vốn hàng bán nhanh hơn đà tăng của doanh thu, khiến lợi nhuận gộp của NLG giảm đến 48%, chỉ đạt 125 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 61% xuống 19%.
Trong kỳ NLG có 16,3 tỷ đồng doanh thu hoạt động tài chính, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, chi phí tài chính tăng mạnh từ 7,2 tỷ đồng lên 11,6 tỷ đồng; chi phí hàng bán giảm một nửa còn gần 10 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp đi ngang 79 tỷ đồng.
Chốt quý NLG ghi nhận 44 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 32 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 75% và 80% so với cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) từ 624 đồng xuống còn 116 đồng.
Lũy kế 9 tháng năm 2020, doanh thu của NLG đạt trên 1.298 tỷ đồng, lãi sau thuế 217 tỷ đồng, giảm lần lượt 2% và 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2020, NLG đặt kế hoạch kinh doanh là 6.315 tỷ đồng doanh thu và 822 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy sau 9 tháng, công ty mới chỉ hoàn thành 20% mục tiêu doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận.
Tính tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của NLG đạt 11.800 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm đầu năm. Trong đó trữ tiền bao gồm tiền gửi kỳ hạn gần 1.018 tỷ đồng (giảm xấp xỉ 950 tỷ đồng so với đầu năm), phải thu ngắn hạn 1.743 tỷ đồng (trong đó phải thu khách hàng gần 590 tỷ đồng), hàng tồn kho 5.400 tỷ đồng (chiếm phần lớn là dự án Paragon Đại Phước: 1.700 tỷ đồng, dự án Akari: 1.685 tỷ đồng và dự án Vàm cỏ đông: 1.090 tỷ đồng).
Về nguồn vốn, tại ngày 30/09/2020, nợ phải trả tăng lên 5.578 tỷ đồng, tương đương mức tăng 18,6%. Chủ yếu sự chênh lệch này đến từ khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn 1.731 tỷ đồng (tiền ứng trước từ khách hàng có nhu cầu mua bất động sản nhưng chưa nhận bàn giao) và doanh thu chưa thực hiện dài hạn 815 tỷ đồng (đến từ khoản lợi nhuận chuyển nhượng một phần dự án Nguyên Sơn, Waterpoint cho Công ty Cổ phần NNH Mizuki và Công ty Cổ phần Southgate" và tăng vay nợ ngắn và dài hạn 722 tỷ đồng.
Có thể thấy, nguồn có thể ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong tương lai gần của NLG còn hơn 2.500 tỷ đồng từ 2 khoản tiền nêu trên. Tuy nhiên để hoàn thành mục tiêu doanh thu cả năm, quý IV Nam Long phải thu về trên 5.000 tỷ đồng. Vì vậy, nếu không có "deal" lớn trong quý IV, Nam Long khó chạm tới kế hoạch lợi nhuận đã đề ra.
Trong kỳ vay nợ ngắn và dài hạn tăng 83%, đạt 1.592 tỷ đồng nhờ khoản huy động vay trái phiếu 500 tỷ đồng hồi tháng 6 vừa qua. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,75 lên 0,90.
Ngoài ra, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong kỳ 9 tháng lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bị âm (-) 940 tỷ đồng, tăng thâm hụt so với cùng kỳ năm trước chỉ âm (-) 437 tỷ đồng; Nam Long cũng tăng mạnh đầu tư góp vốn vào đơn vị khác qua đó dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư đi ra 554 tỷ đồng. Ngoài ra, Nam Long cũng tăng thu từ đi vay từ mức 271 tỷ đồng kỳ 9 tháng đầu năm 2019 lên 964 tỷ đồng kỳ 9 tháng đầu năm 2020.