Ngân hàng thu hồi nợ xấu - "át chủ bài" trong toan tính tái cơ cấu của Deutsche Bank
Cuộc tái cơ cấu tốn kém nhất lịch sử ngân hàng tại Deutsche Bank đã bắt đầu
Hàng ngàn nhân viên Deutsche Bank ở London, New York và Tokyo đã bắt đầu một ngày làm việc không giống như thường nhật: họ thu xếp đồ đạc trong những chiếc hộp, những phong bì tài liệu lớn, nhìn lại bàn làm việc lần cuối và rời đi trong một đợt cắt giảm nhân sự quy mô lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Deutsche Bank đã từ bỏ nỗ lực cạnh tranh với các công ty Mỹ trên thị trường tài chính bằng cách đóng cửa mảng cổ phiếu toàn cầu, thu gọn mảng ngân hàng đầu tư, cắt giảm 18,000 nhân viên để tái cấu trúc và giảm chi phí điều hành xuống 17 tỷ EUR vào năm 2022. Cuộc sa thải được bắt đầu ngay từ thứ Hai 8.7 (giờ Mỹ). Chỉ vài ngày sau khi giám đốc mảng ngân hàng đầu tư Garth Ritchie tuyên bố từ chức, các nhân viên Deutsche Bank cũng lần lượt rời đi.
Một nhân viên Deutsche Bank tại chi nhánh London thu xếp tài liệu rời văn phòng do cắt giảm nhân sự
Trong nhiều thập kỷ, Deutsche Bank dường như đã sai lầm khi đưa tham vọng thống trị tài chính toàn cầu vào chiến lược trọng tâm của nó. Thương vụ mua lại ngân hàng đầu tư của Mỹ Bankers Trust năm 1999 là một ví dụ điển hình. Hơn 1 thập kỷ lỗ ròng đã khiến đại gia ngân hàng Đức phải suy tính lại. Nhất là trong bối cảnh hàng loạt cáo buộc rửa tiền, trốn thuế, không thể kiềm chế lũng đoạn thị trường...đang khiến danh tiếng của Deutsche Bank ngày càng đi xuống.
Hồi năm 2017, Deutsche Bank từng phải thanh toán khoản tiền phạt 7,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến các cáo buộc lừa dối, bán chứng khoán thế chấp từ thời kỳ khủng hoảng năm 2008. Trong bối cảnh đó, cuộc tái cơ cấu của Deutsche Bank chủ yếu xoay quanh lĩnh vực ngân hàng đầu tư mà London và New York, Tokyo là tâm điểm. Những nhân viên bị cắt giảm biên chế do đó đa phần thuộc 3 chi nhánh này.
Đối với các nhà đầu tư phố Wall, người đã từng chứng kiến những ảnh hưởng rung chuyển thị trường toàn cầu của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, thì hình ảnh này dường như rất quen thuộc. Một trong những đợt sa thải lớn nhất lịch sử ngân hàng đã diễn ra cùng năm đó, khi Citigroup tuyên bố cắt giảm 14% lực lượng lao động toàn cầu, ước tính lên đến 50.000 người.
"Bad Bank" - mấu chốt trong cuộc tái cơ cấu của Deutsche Bank
Khi những ngân hàng gặp rắc rối với những khoản lỗ ròng và quyết định tái cơ cấu, một trong những giải pháp thường được cân nhắc là “bad-bank” - ngân hàng thu hồi nợ xấu (còn gọi là ngân hàng xấu). Đây cũng là một phần kế hoạch của Deutsche Bank trong việc đưa lợi nhuận tăng trưởng trở lại khi thu nhỏ quy mô lĩnh vực ngân hàng đầu tư.
Ngân hàng thu hồi nợ xấu là gì?
“Ngân hàng xấu” là thuật ngữ chỉ một tổ chức tài chính nắm giữ các tài sản rủi ro, tài sản xấu, đối lập với “ngân hàng tốt - good bank”. Thông thường, ngân hàng xấu được tạo ra từ các thành phần tài sản đang kéo ngân hàng đi xuống, như công cụ phái sinh rủi ro, cổ phiếu có tính thanh khoản kém, các khoản vay quá hạn…, thậm chí là các tài sản không cốt lõi với chiến lược của doanh nghiệp.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều đại gia ngân hàng bao gồm cả Deutsche Bank đã thành lập những bộ phận thu hồi nợ xấu như vậy. Thậm chí, các quốc gia như Đức, Tây Ban Nha và Ireland cũng thành lập ngân hàng xấu tổng hợp “big-bad-bank” để các ngân hàng yếu trút gánh nặng rủi ro tài chính, qua đó củng cố ngành kinh tế và giữ ổn định thị trường tài chính.
Chiến lược cụ thể của Deutsche Bank là gì?
Với chiến lược như vậy, Deutsche Bank giờ đây đang tạo ra một “đơn vị phát hành vốn đầu tư trực tuyến”, nơi sẽ xử lý các tài sản không cốt lõi để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chiến lược của ngân hàng này. Số tài sản rủi ro 74 tỷ EUR cùng 288 tỷ EUR thiệt hại đòn bẩy tài chính hồi cuối năm ngoái sẽ được đưa vào bộ phận mới này. Bộ phận phát hành vốn trực tuyến nhiều khả năng sẽ nắm giữ một lượng lớn cổ phần từ hoạt động kinh doanh cổ phiếu, các tài sản liên quan đến giao dịch bên ngoài Châu Âu, các khoản vay có thu hồi và không thu hồi...
Ưu điểm của ngân hàng xấu
Đặt các tài sản rủi ro và không cốt lõi sang một bộ phận riêng biệt sẽ là giải pháp hiệu quả để tái cấu trúc, minh bạch hóa ngân hàng, khôi phục niềm tin của giới đầu tư, giúp theo dõi và quản lý tốt hơn các tài sản đầu tư. Đồng thời, nó giúp giải phóng nguồn vốn, củng cố sức mạnh tài chính của Deutsche Bank và tái phân bổ nguồn lực hiệu quả để thu về lợi nhuận cao hơn. Nếu coi bộ phận thu hồi nợ xấu này như một thực thể riêng biệt, nó sẽ cho phép Deutsche Bank làm sạch bảng cân đối kế toán, thu hút và bảo vệ các nguồn tiền gửi.
Những hạn chế nổi bật
Một hạn chế cơ bản khi đưa tài sản rủi ro vào ngân hàng xấu, là việc giám giá trị cổ phần một cách đáng kể so với ước tính, để số tài sản này được định giá, thanh lý theo thời gian. Như vậy, cổ đông là người gánh chịu thiệt hại sau tất cả những khoản lỗ ròng mà ngân hàng gây ra và chính phủ chỉ có thể hỗ trợ một phần.
Các tiền lệ "bad-bank" và trường hợp của Deutsche Bank
Một ví dụ rõ rệt nhất là trường hợp của Citigroup năm 2009 đã thành lập bộ phận thu hồi khoản nợ xấu hàng trăm tỷ USD. Michael Corbat, CEO Citigroup đã tiếp tục điều hành ngân hàng này cho đến hiện nay. Hay Tập đoàn Ngân hàng Hoàng gia Scotland Plc cũng là một trong những Ngân hàng đã thực hiện kỳ tích tương tự trong tái cấu trúc để đứng lên từ bờ vực khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong khi hai tập đoàn này nhận được sự trợ giúp của Chính phủ, Deutsche Bank và nhiều ngân hàng khác lại phải đối diện với quá trình tự tái cấu trúc. Kể từ sau khủng hoảng tài chính, các nhà hoạch định chính sách của Liên minh Châu Âu đã hạn chế sử dụng vốn công để giải cứu ngân hàng khỏi tình trạng kinh doanh tồi tệ. Tất nhiên, ngân hàng xấu vẫn là một phương pháp hiệu quả để tái cơ cấu, nhưng thiếu đi bàn tay nâng đỡ của chính phủ.
Quay trở lại năm 2012, Deutsche Bank đã thu hồi hàng loạt tài sản rủi ro với tổng giá trị lên tới 128 tỷ EUR bao gồm các giao dịch chứng khoán đảm bảo bằng tài sản, các công cụ phái sinh, trái phiếu… vào bộ phận thu hồi nợ xấu trong quá trình mở rộng quản lý tài sản. Bộ phận thu hồi nợ xấu sau đó giúp thước đo sức mạnh tài chính của Deutsche Bank tăng 2% vào năm 2016. Điều này cũng mang đến hiệu quả tương tự với số vốn 8 tỷ EUR mà Deutsche Bank đã huy động từ các nhà đầu tư năm 2017. Tuy nhiên, ngân hàng này phải đối mặt với khoản lỗ trước thuế lên tới 13,7 tỷ EUR sau khi thanh lý tài sản, thanh toán các hợp đồng giao dịch cùng chi phí kiện tụng.
Khái quát một số biện pháp tái cấu trúc của Deutsche Bank
Trong một tuyên bố mới đây, Hội đồng quản trị ngân hàng Deutsche Bank đã công bố hàng loạt biện pháp tái cấu trúc hoạt động của ngân hàng nhằm cải thiện lợi nhuận trong dài hạn cùng với bộ phận thu hồi nợ xấu. Các biện pháp cụ thể được đề cập dưới đây:
Đóng cửa giao dịch cổ phiếu toàn cầu và giảm đáng kể tài sản rủi ro của mảng ngân hàng đầu tư
Là một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, việc Deutsche Bank đóng cửa mảng giao dịch cổ phiếu toàn cầu không nghi ngờ gì sẽ là cú sốc lớn với thị trường. Ngân hàng có chiến lược thay đổi các hoạt động kinh doanh tạp ra thu nhập cố đinh và thu hồi khoảng 40% tài sản rủi ro đang phân bổ cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Deutsche Bank sẽ không bán tháo cổ phiếu như thị trường quan ngại, mà 74 tỷ EUR giá trị tài sản rủi ro (chủ yếu là cổ phiếu) sẽ được chuyển sang cho một đơn vị khác, một "chi nhánh mới" nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cổ đông của ngân hàng này.
Sau tái cơ cấu, Deutsche Bank chỉ tập trung vào các hoạt động đầu tư cốt lõi như mảng Ngân hàng doanh nghiệp, ngân hàng giao dịch, tài chính, ngoại hối, quản lý tài sản... Ngân hàng giao dịch được đánh giá là một mảng kinh doanh tiềm năng đòi hỏi ít vốn và không có tính chu kỳ, không chứa nhiều rủi ro như ngân hàng đầu tư - lĩnh vực đã đem về cho Deutsche Bank khoản lỗ hàng tỷ EUR.
Việc Deutsche Bank đóng cửa mảng giao dịch cổ phiếu toàn cầu có thể sẽ là cú sốc lớn cho thị trường.
Tái cấu trúc và cơ sở hạ tầng doanh nghiệp
Cùng với sự cải tổ trong lĩnh vực kinh doanh, Deutsche Bank cũng đồng thời thực hiện các biện pháp tái cơ cấu, giảm chi phí điều hành xuống 17 tỷ EUR vào năm 2022 thông qua việc cắt giảm biên chế 18.000 nhân viên, tập trung vào mảng ngân hàng đầu tư.
Để phục vụ quá trình tái cơ cấu, Deutsche Bank dự kiến sẽ mất khoảng 3 tỷ EUR chi phí trong quý II/2019 gồm tài sản thuế thu nhập hoãn lại khoảng 2 tỷ EUR và các khoản giảm giá trị tài sản khoảng 0,9 tỷ EUR. Cho đến năm 2022, ước tính các khoản chi phí tích lũy liên quan đến tái cơ cấu sẽ vào khoảng 7,4 tỷ EUR.
Quản lý việc tái cơ cấu dựa trên nguồn lực hiện có
Ban quản trị Deutsche Bank dự định sẽ thực hiện quá trình tái cơ cấu dựa trên các nguồn lực hiện có mà không cần huy động vốn. Điều này nhằm cho thấy lượng vốn dồi dào hiện tại của ngân hàng cũng như niềm tin vào rủi ro không đáng kể cho các nhà đầu tư. Hội đồng quản trị Deutsche Bank dự kiến sẽ không trả cổ tức trong 2 năm tài chính 2019 và 2020, lần đầu tiên kể từ năm 1993.
Cập nhật chỉ số vốn và đòn bẩy tài chính mục tiêu
Hội đồng quản trị Deutsche Bank tin rằng các dấu hiệu thị trường hỗn loạn trong tương lai đòi hỏi một mức vốn thấp hơn. Sau khi tham khảo ý kiến từ các nhà quản lý ngân hàng, Deutsche Bank dự định hoạt động với tỷ lệ vốn cấp 1 (CET1) tối thiểu 12,5% và tỷ số đòn bẩy tài chính khoảng 4,5% vào cuối năm 2020. Tỷ số này dự kiến sẽ tăng lên 5% vào năm 2022.
Kết quả kinh doanh sơ bộ quý II
Sau ước tính các khoản chi phí liên quan đến tái cấu trúc trên đây, Deutsche Bank dự kiến sẽ báo cáo khoản lỗ ròng quý II khoảng 2,8 tỷ EUR. Nếu không bao gồm chi phí tái cấu trúc, Deutsche Bank dự kiến doanh thu trước thuế vào khoảng 400 triệu EUR và lợi nhuận ròng khoảng 120 triệu EUR trong quý vừa qua. Đại gia ngân hàng Đức sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II chính thức vào ngày 24.7 tới đây.