Ngành dâu tằm tơ Việt Nam: 90% nhập khẩu trứng tằm giống từ Trung Quốc

02/04/2021 10:03 GMT+7
Mặc dù sản lượng kén tằm của Việt Nam đạt hơn 9.000 tấn, sản lượng tơ đạt hơn 1.200 tấn nhưng có đến 90% trứng tằm giống phải nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch khiến ngành dâu tằm tơ gặp nhiều khó khăn.

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Phạm S đã có buổi làm việc với Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam về tình hình phát triển phát triển của ngành dâu tằm tơ trên địa bàn toàn tỉnh. Tại buổi làm việc, các cơ sở, doanh nghiệp ươm tơ, dệt lụa trên địa bàn đã có cơ hội "bày tỏ", đóng góp ý kiến tới các sở, ngành và chính quyền các cấp xem xét, đề ra những giải pháp đúng đắn đưa ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng ngày càng phát triển ổn định và bền vững.

Khó khăn lớn nhất với ngành dâu tằm tơ Việt Nam: Nhập khẩu trứng tằm giống từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Dù sản lượng kén tằm cao nhưng 90% trứng tằm giống phải nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.

Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng, mỗi năm người dân trên địa bàn cần từ 300-350 hộp trứng tằm giống. Tuy nhiên, giống tằm lưỡng hệ trong nước chưa đảm bảo năng suất, chất lượng nên gần như 100% trứng tằm giống tại địa phương phải nhập khẩu trực tiếp từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. 

Tính đến đầu năm 2021, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có hơn 9.350 ha dâu, chiếm hơn 80% diện tích dâu tằm cả nước. Phần lớn diện tích dâu người dân đang trồng là các giống dâu lai có năng suất cao, chất lượng tốt như S7 - CB, VA - 201, TBL - 03 và TBL - 05…

Khó khăn lớn nhất với ngành dâu tằm tơ Việt Nam: Nhập khẩu trứng tằm giống từ Trung Quốc - Ảnh 2.

Việc nhập khẩu trứng tằm giống từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch gặp nhiều rủi ro.

Tại buổi làm việc, đại diện các doanh nghiệp và Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cùng ý kiến cho rằng khó khăn lớn nhất đối với ngành dâu tằm tơ của Việt Nam hiện nay là nguồn cung ứng trứng giống tằm còn phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Tuy nhiên, việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chính vì vậy, việc nhập khẩu chính ngạch trứng tằm giống được các doanh nghiệp quan tâm, mong muốn các bộ, ngành Trung ương có giải pháp để đảm bảo năng suất, chất lượng tơ lụa.

Theo ông Phạm S, từ những đóng góp, ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam, Lâm Đồng sẽ làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung vào Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh trong 5 năm tới. 

Khó khăn lớn nhất với ngành dâu tằm tơ Việt Nam: Nhập khẩu trứng tằm giống từ Trung Quốc - Ảnh 3.

Mỗi năm, người dân tỉnh Lâm Đồng cần từ 300-350 hộp trứng tằm giống.

Bên cạnh đó, Lâm Đồng sẽ đánh giá, xem xét nhằm đề ra những chính sách, giải pháp góp phần đưa ngành dâu tằm tơ Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung ngày càng phát triển bền vững. 

Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cần tuyên truyền các chính sách ưu đãi theo Quyết định số 1371 ngày 25/6/2019 của tỉnh Lâm Đồng phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ giai đoạn 2019 - 2023 tới các doanh nghiệp để có hướng hỗ trợ đầu tư phát triển. Từ đó, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tơ lụa trong nước và quốc tế. 

Đặc biệt, Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cần tham mưu UBND tỉnh Lâm Đồng xây dựng các tiêu chuẩn để trình Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận chuỗi giá trị cho sản phẩm tơ lụa Lâm Đồng.

Phong Lâm
Cùng chuyên mục