Nghịch lý giá gạo tăng cao kỷ lục, nhiều doanh nghiệp gạo không dễ 'hưởng" lợi, vì lý do cực kỳ xưa cũ

04/09/2023 19:27 GMT+7
Dù có lợi thế từ giá gạo liên tục tăng, nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp gạo báo lãi giảm mạnh, thậm chí lỗ. Chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thủy cho rằng, giá gạo tăng cao không phải là cơn mưa rào doanh nghiệp nào cũng được hưởng. Vì trong thương mại doanh nghiệp cần 3 điều "cực kỳ xưa cũ".

Giá gạo tăng cao kỷ lục

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang giao dịch quanh mức 643 USD/tấn, còn tại Thái Lan giá gạo này đã neo gần mức 646 USD/tấn.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ trong tháng 8/2023, xuất khẩu gạo thu về 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong 8 tháng qua, giá bình quân xuất khẩu gạo đạt mức 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là năm có mức giá xuất khẩu bình quân cao nhất lịch sử sau hơn 30 năm dòng chảy gạo Việt vươn ra thế giới.Tuần này, gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ổn định quanh mức 643 USD/tấn và gạo 5% tấm của Thái Lan neo gần mức 646 USD/tấn.

Giá gạo tăng từng ngày phần lớn nguyên nhân từ việc Ấn Độ hôm 25/8 thông báo đã áp dụng mức thuế 20% đối với xuất khẩu gạo đồ và kéo dài đến ngày 16/10/2023. Quyết định này của chính quyền Ấn Độ nhằm kiểm soát tình trạng giá tăng, trong khi đảm bảo nguồn cung đủ cho thị trường trong nước.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân giá gạo tăng đỉnh lịch sử nhưng không ít doanh nghiệp làm ăn đi lùi, thậm chí lỗ - Ảnh 1.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện đang giao dịch quanh mức 643 USD/tấn, còn tại Thái Lan giá gạo này đã neo gần mức 646 USD/tấn. Ảnh minh họa

Với biện pháp mới này, Ấn Độ hiện đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với tất cả các loại gạo không phải là basmati, vốn chiếm 25% tổng xuất khẩu gạo của nước này.

Hôm 20/7, Ấn Độ đã khiến các nhà nhập khẩu bất ngờ khi áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati – loại gạo được tiêu thụ rộng rãi. Lệnh cấm đã thúc đẩy giá gạo lên mức cao kỷ lục.

Giá gạo tại châu Á tháng này đã lên cao nhất gần 15 năm và có thể tiếp tục tăng. Việc này sẽ làm tăng chi phí với các nước nhập khẩu gạo như Philippines và một số quốc gia châu Phi. Các biện pháp bảo hộ lương thực gần đây của Ấn Độ nhằm hạ nhiệt giá cả trong nước trước thềm cuộc tổng tuyển cử đầu năm tới.

Doanh nghiệp ngành gạo: Kết quả làm ăn trái chiều

Theo BCTC hợp nhất quý II/2023 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời ( LTG) cho thấy doanh thu thuần tăng nhẹ lên 3.678 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng từ 10,5% lên 14,3%. Kết quả, Lộc Trời lãi 424,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 44,3 tỷ đồng. Lũy kế bán niên, LTG ghi nhận doanh thu 6.130 tỷ đồng, tăng 7,3%; lãi sau thuế đạt 343,4 tỷ đồng, tăng 146% so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu trong 6 tháng gồm: Lương thực- lúa, gạo ghi nhận 4.220 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ); Thuốc bảo vệ thực vật đạt 1.536 tỷ đồng; hạt giống 315,3 tỷ đồng; bao bì 62,3 tỷ đồng; xây dựng và khác 97,7 tỷ đồng.

CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) đã công bố báo cáo tài chính riêng quý II/2022. Trong kỳ, AFX ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 587,4 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả quý II/2023, Nông sản Thực phẩm An Giang báo lãi 5,2 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, AFX đạt 921,7 tỷ đồng doanh thu và gần 10 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 47% và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý II/2023,  CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, AGM) ghi nhận doanh thu đạt 162,7 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế âm 33,4 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Angimex ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 322,3 tỷ đồng, 43,2% so với cùng kỳ năm trước.6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Angimex âm 56,4 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước âm 5,7 tỷ đồng.

Trong đó, doanh thu phần lớn của AGM đến từ bán xe Honda, phụ tùng, dịch vụ sửa chữa, ghi nhận 207 tỷ đồng, chiếm 64,4% tổng doanh thu. Doanh thu bán hàng lương thực giảm sút 96,7% còn 71 tỷ đồng, cùng kỳ ghi nhận 2.161,2 tỷ đồng.

Trong quý II, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, NSC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 519 tỷ đồng, giảm 8%, lợi nhuận sau thuế đạt 58 tỷ đồng giảm 33% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận cải thiện từ 32,4% lên 38,8%. Lũy kế bán niên, Vinaseed ghi nhận doanh thu đạt 834 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 109 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Nông nghiệp Công nghệ Cao Trung An (Trung An Rice, TAR) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.615 tỷ đồng doanh thu, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên do giá vốn tăng vọt nên Công ty báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, còn cùng kỳ lãi 23,6 tỷ đồng. Biên lợi nhuận giảm từ 11,6% xuống 4,1%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của TAR đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế đạt 606 triệu đồng, cùng kỳ lãi 50,6 tỷ đồng.

Năm 2023, Trung An đặt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 với doanh thu 3.800 tỷ đồng, đi ngang; lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, giảm 33,5% so với thực hiện năm trước. Như ậy sau 6 tháng, Trung An mới thực hiện được 1,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

Chi phí đè nặng doanh nghiệp ngành gạo

Trong quý thứ 2 đầu năm, Trung An ghi nhận chi phí lãi vay cao hơn 40% so với cùng kỳ năm trước và Công ty phải thanh lý hủy, không thể thu hồi một số hàng hóa hư hỏng giao tại cảng cho khách hàng nước ngoài. Điều này khiến TAR báo lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, lãnh đạo Trung An cho biết dù giá lúa gạo tăng nhưng giá lúa của nông dân bán ra cũng tăng mạnh. Điều này khiến chi phí sản xuất, giá thành đều tăng cao.

Tồn kho cao cũng là một trong gánh nặng của các doanh nghiệp ngành gạo. Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tồn kho của Lộc Trời tăng 24% lên 2.714 tỷ đồng, tồn kho của Vinaseed là 327 tỷ đồng tăng 6%, tồn kho tại Vinafood 2 ở mức 2.977 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với đầu năm. Điều này kéo theo chi phí nguyên vật liệu tăng tương ứng, từ 469 tỷ đồng lên 1.212 tỷ đồng.

Doanh nghiệp gạo cũng không là ngoại lệ - Buôn khôn không bằng trường vốn

Trao đổi với PV Dân Việt, chuyên gia kinh tế Hoàng Trọng Thủy nhận định, từ giờ tới cuối năm giá gạo sẽ không tăng đột biến so với thời điểm hiện tại. Vì cũng có thể Ấn Độ cho phép xuất khẩu trở lại, giá gạo cũng có thể đi lên, đi ngang hoặc chếch xuống nhưng không đột biến.

Với các doanh nghiệp ngành gạo, ông Thủy lưu ý, doanh nghiệp nghiệp cần cập nhật thường xuyên về thị trường mua vào để đảm bảo những cam kết. Điều cần quan tâm nhất là đối thủ cạnh tranh của mình, đó là dự trữ của các nước xuất khẩu gạo  của họ ra sao. Nếu đối thủ bung ra nguồn dự trữ cần phải tính, ví dụ như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ, hay sản lượng ngô của Ukraina bung ra, ta cần phải tính. Trong đó có 2 vấn đề cần lưu ý, thứ nhất là cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào các thị trường, nếu có thay đổi phải chủ động từ vụ xuân, nếu dự đoán sai cơ cấu nguồn gạo sẽ sai. Đối tượng của doanh nghiệp là một thị trường hoặc một nhóm thị trường sẽ thay đổi.

Thứ hai, phải củng cố thị trường truyền thống của mình. Bạn hàng truyền thống, nếu có thay đổi thì chỉ giao động thì chỉ ở chừng mặc. Bên cạnh đó cần tăng cường củng cố nâng cao thông tin và bán thương mại trên nền tảng công nghệ số.

Theo ông Thủy, việc giá gạo tăng cao không phải là cơn mưa rào mà doanh nghiệp nào cũng được hưởng. Việc giá gạo tăng cao tạo ra cơ hội hoàn toàn giống nhau, nhưng tại sao có những doanh nghiệp xuất khẩu tốt, có doanh nghiệp lại không làm được? Trong thương mại, có 3 vấn đề là trường vốn, già đời, cơ chế động. Doanh nghiệp nhỏ thì không có trường vốn tốt được và cũng khó có cơ chế động.

"Ví dụ như Công ty Lộc Trời họ có vùng nguyên liệu xuất khẩu lớn An Giang, Kiên Giang. Đây là doanh nghiệp lâu đời, họ phát triển từ đưa kỹ thuật xuống nông dân gắn bó với người dân. Doanh nghiệp cũng có bạn hàng và làm ăn tử tế với người nông dân nên việc họ lãi lớn là dễ hiểu", ông Thủy nói.


O.L
Cùng chuyên mục