Người chăn nuôi gà điêu đứng vì giá liên tục giảm
Tại khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, giá gà công nghiệp loại lông trắng bán tại trang trại bình quân 19.000 - 21.000 đồng/kg. Không chỉ có gà công nghiệp lông trắng, loại gà lông màu (gà tam hoàng) hiện giá cũng chỉ ở mức thấp, từ 27.000 - 30.000 đồng/kg, tuỳ khu vực.
Ông Trần Đúc Lâm, chủ trại chăn nuôi gà ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, khi giá gà công nghiệp hạ xuống mức trên dưới 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ vốn từ 5.000 - 6.000 đồng/kg so với giá thành chăn nuôi, riêng gà lông màu so với giá thành chăn nuôi đã lỗ vốn từ 8.000 - 9.000 đồng/kg.
Theo ông Lâm, từ đầu năm 2020 đến nay, giá gà công nghiệp lông trắng chỉ có vào thời điểm tháng 5 và tháng 6 nhích lên khoảng 30.000- 35.000 đồng/kg, thời gian còn lại đều bán lỗ. “Các chi phí chăn nuôi không giảm, giá gà giảm sâu và kéo dài làm cho không ít trang trại đang ôm nợ và khó khăn càng chồng lên khó khăn”, ông Lâm nói.
Giá gà liên tục giảm xuống thấp trong thời gian gần đây, theo các chủ trại gà ở khu vực Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên nhân do khi dịch tả heo châu Phi lan rộng vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020, ngành chăn nuôi khuyến khích tăng nuôi gà để bù vào lượng thịt heo thiếu hụt. Nhiều người chăn nuôi cũng nhận định, dịch tả khiến nguồn cung heo giảm, vì thế đây là cơ hội để thịt gà chiếm lĩnh thị trường nên đã đồng loạt đầu tư, dẫn đến nguồn cung thịt gà hiện nay cao hơn nhu cầu của thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tổng đàn gia cầm của tỉnh Đồng Nai hiện đạt khoảng 27,6 triệu con, tăng gần 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tổng đàn gà trên 25,5 triệu con, chiếm gần 92,5% tổng đàn gia cầm đang chăn nuôi. Trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng thịt gia cầm cung cấp ra thị trường đạt gần 11.800 tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai - cho biết, hiện nay hoạt động chăn nuôi gà công nghiệp ở Đồng Nai chủ yếu theo quy mô trang trại, tỷ lệ sử dụng giống tốt và áp dụng kỹ thuật tiến bộ trong chăn nuôi chiếm đến 90% trên tổng đàn. Do dịch tả heo châu Phi trước đó nên nhiều trang trại đầu tư chăn nuôi làm tổng đàn gà chăn nuôi ở Đồng Nai tăng mạnh, dẫn đến nguồn cung thịt gà cao hơn so với nhu cầu tiêu dùng của thị trường đã đẩy giá gà xuống thấp trong thời gian qua.
Ngoài mãi lực thu mua thấp, nguồn cung tăng, trong khi đó sản lượng thịt gà nhập khẩu nhiều và giá rẻ khiến thịt gà "dội chợ", khiến cho nhiều trang trại lâm vào tình trạng càng nuôi càng lỗ.
Theo khảo sát của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, chỉ tính đến giữa tháng 4/2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 78.376 tấn thịt và sản phẩm từ gia cầm, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong năm 2019, sản lượng thịt và sản phẩm từ cầm Việt Nam nhập khẩu hơn 144.330 tấn, tăng hơn 10% so với năm 2018.
Ông Huỳnh Đức Lộc, chủ trại chăn nuôi gà ở huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, thịt gà nhập khẩu với số lượng lớn và giá bán rẻ hơn thịt gà sản xuất trong nước. Cùng với dịch Covid -19 tiếp tục lan rộng làm sức mua giảm mạnh là nguyên nhân cơ bản đã đẩy giá gà chăn nuôi trong nước tụt sâu và chưa có điểm dừng.
Cụ thể, giá nhập khẩu tới cảng của Việt Nam chưa tính thuế giao động trên dưới 20.000 đồng/kg. Sản phẩm thịt gà nhập khẩu như ức, đùi, cánh bán lẻ cho các quán ăn, bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất tại địa bàn Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh chỉ từ 30.000 - 40.000 đồng/ kg. Riêng các loại sản phẩm cổ, xương gà nhập khẩu, giá bán sỉ chỉ 15.000 - 20.000 đồng/kg và được rao bán phổ biến trên các trang mạng.
Các chủ trang trại chăn nuôi gia cầm cho rằng, với tình hình thị trường đang gặp nhiều khó khăn về sức tiêu thụ như hiện nay, số lượng thịt gà nhập khẩu tiếp tục tăng và giá bán quá rẻ như vậy sẽ đẩy ngành chăn nuôi gia cầm trong nước càng thêm khó khăn và dễ đến bờ vực “treo chuồng” hàng loạt.