Trump muốn "cắt đứt quan hệ", nhưng chia tay Trung Quốc không phải dễ dàng!

20/05/2020 11:38 GMT+7
Đại dịch Covid-19 dường như đang làm tăng tốc độ phân cực của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: Mỹ và Trung Quốc. Nhất là khi Tổng thống Trump trong những ngày qua nhiều lần nhấn mạnh lập trường cứng rắn với Bắc Kinh, rằng “chúng ta có thể cắt đứt toàn bộ mối quan hệ” với Trung Quốc.

Không chỉ Tổng thống Trump, cố vấn thương mại đắc lực của ông là Robert Lighthizer thời gian qua cũng liên tục lặp lại tuyên bố các công ty sản xuất ở những thị trường mới nổi như Trung Quốc sẽ sớm dịch chuyển về nước sau khi cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 làm rạn vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhiều nhà quan sát cho rằng các doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang các thị trường Đông Nam Á lân cận thay vì di chuyển về nước như chính quyền Trump mong đợi. Nhưng ngay cả trong giả thiết như vậy, việc tách các doanh nghiệp khỏi thị trường Trung Quốc hoàn toàn có vẻ phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với những gì Tổng thống Trump tuyên bố.

Trump muốn "cắt đứt quan hệ", nhưng chia tay Trung Quốc không phải dễ dàng! - Ảnh 1.

Cắt đứt quan hệ thương mại với Trung Quốc không dễ như tuyên bố của Trump

Làn sóng doanh nghiệp rời Trung Quốc

Những doanh nghiệp đa quốc gia toàn cầu đang hoạt động tại Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn từ lời kêu gọi dịch chuyển về nước của các chính phủ.

Mỹ là một trong những quốc gia tiên phong kêu gọi các doanh nghiệp trở về nước, bởi mối quan hệ thương mại Mỹ Trung vốn đã căng thẳng từ sau thương chiến hồi năm ngoái. Gần đây, Tổng thống Trump thậm chí tung ra các gói hỗ trợ chi phí chuyển dịch cho doanh nghiệp Mỹ chuyển nhà máy sản xuất về nước.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhận ra sự bức thiết phải “chia tay” thị trường Trung Quốc, tránh phụ thuộc quá mức khiến chuỗi cung ứng chịu thiệt hại nặng nề như những gì xảy ra trong giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vừa qua. Nhật Bản hiện đã công bố quỹ hỗ trợ trị giá hơn 2 tỷ USD để khích lệ doanh nghiệp trở về nước. Hồi cuối tháng 4, nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng Iris Ohyama là công ty Nhật Bản đầu tiên nhận trợ cấp của chính phủ để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc theo lời kêu gọi của Thủ tướng Shinzo Abe.

Phòng Thương mại Liên minh Châu Âu tại Bắc Kinh gần đây đã cảnh báo các thành viên giảm sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì cam kết sẽ dịch chuyển chuỗi sản xuất sản phẩm chiến lược, bao gồm thiết bị y tế về Pháp.

Một số quốc gia đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển rõ rệt khỏi thị trường Trung Quốc. Minh chứng tiêu biểu, Ấn Độ mới đây tuyên bố đang đàm phán với hàng trăm doanh nghiệp quốc tế để thuyết phục họ chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang quốc gia Đông Á này.

“Chia tay” Trung Quốc có dễ dàng?

Bất chấp những động thái của các chính phủ, việc doanh nghiệp toàn cầu chia tay hoàn toàn thị trường Trung Quốc là một quá trình khó khăn hơn nhiều. Nhất là khi nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19; trong khi Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia được xem là thị trường thay thế vẫn đang siết chặt cách ly xã hội để kiểm soát dịch bệnh.

Trump muốn "cắt đứt quan hệ", nhưng chia tay Trung Quốc không phải dễ dàng! - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp Mỹ như Apple khó chia tay Trung Quốc, khi thị trường tỷ dân mang về doanh thu và lợi nhuận khổng lồ

Trong dài hạn, không có gì chắc chắn rằng các doanh nghiệp lớn của Mỹ và Nhật Bản sẽ dịch chuyển hoàn toàn dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các thị trường thay thế tại Đông Nam Á cho đến nay khó có thể sánh bằng lực lượng lao động chuyên nghiệp, cơ sở hạ tầng sản xuất quy mô như Trung Quốc - công xưởng của thế giới. Đó là chưa kể chi phí dịch chuyển tốn kém và phải được tính toán kỹ lưỡng. Nhưng trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện tại, ít công ty đủ nguồn lực để phác thảo một kế hoạch như vậy.

Một lý do cuối cùng và quan trọng hơn cả: Trung Quốc là thị trường tiêu thụ quan trọng giúp các doanh nghiệp toàn cầu kiếm bộn tiền. Hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc hiện nay, bao gồm cả iPhone đều để bán cho người Trung Quốc như một thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nghĩa là ở lại thị trường Trung Quốc, các công ty có khả năng kiếm bộn tiền so với phương án dịch chuyển mà chính phủ kêu gọi. Thống kê từ công ty nghiên cứu Rhodium cho thấy trong năm 2019, vốn FDI của Mỹ vào Trung Quốc đã tăng lên tới 14 tỷ USD ngay cả khi Trump áp thuế trừng phạt lên tới 25% và căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc leo thang lên đỉnh.

Tất nhiên, đại dịch càng kéo dài, các công ty toàn cầu càng chịu sức ép “xa lánh” thị trường Trung Quốc. Nhưng trong dài hạn, họ có thể thử nghiệm chiến lược “Trung Quốc + 1”, nghĩa là vẫn giữ nhà máy tại Trung Quốc nhưng đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang một số quốc gia khác để giảm thiểu rủi ro. Tức là trong dài hạn, Trung Quốc có vẻ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trái ngược với những gì Trump kỳ vọng.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục